(HNM) - Thương lái Trung Quốc đặt mua những sản phẩm quái dị, từ rong mơ, giun biển, cây gỗ trắc dây cho đến việc lợi dụng chính sách thông thương để tuồn hàng kém chất lượng như khoai tây, vải thiều... vào thị trường Việt Nam.
Từ chuyện nhái thương hiệu
Câu chuyện về khoai tây Đà Lạt, thương hiệu có tiếng trên thị trường, thua trên "sân nhà" còn nguyên tính thời sự. Những ngày cuối tháng 6-2014, có mặt ở Đà Lạt, vựa hàng nông sản cung cấp chủ yếu cho các tỉnh phía Nam, chúng tôi đã đi, nghe và gặp rất nhiều điều "chướng tai gai mắt".
Được mùa ớt nhưng người dân lại khốn khổ vì rớt giá. |
Tại Chợ nông sản Đà Lạt, dù mới gần 10h sáng, nhưng chợ vắng "như chùa bà Đanh". Chỉ có hơn 50/130 ki ốt đang hoạt động, còn lại cửa đóng then cài. Ông Nguyễn Thế Hiền, Phó ban Quản lý chợ chua chát nói: "Giờ này vài năm trước là chợ tấp nập lắm. Hàng hóa từ các vựa nông sản tập kết để chuyển đi các tỉnh thành, hàng từ nơi khác cũng đổ về để trao đổi, nhưng giờ đìu hiu quá. Hai năm trở lại đây, sức tiêu thụ nhiều mặt hàng như sú (bắp cải), cà rốt, cà chua và đặc biệt là khoai tây Đà Lạt giảm đi rõ rệt. Không còn nhiều thương lái đến thu mua để đưa đi các tỉnh nên người sản xuất ế ẩm. Tết rồi, vụ sú được mùa mà nhiều hộ phải bỏ làm thức ăn cho bò".
Theo ông Dương Ngọc Đức, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt, khoai tây Trung Quốc ồ ạt đổ về Đà Lạt để giả mạo xuất xứ. Đa số khoai nhập về có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao, sắp hoặc chạm mức an toàn cho phép. "Đây là chiêu lách luật của thương lái Trung Quốc rất khó để cơ quan chức năng có phương thức xử lý". - Ông Đức nhấn mạnh. Khi về tới Đà Lạt, để "hô biến" các sản phẩm này, khoai tây Trung Quốc được rửa bằng máy tự động (1 tấn khoai được rửa trong 5 phút) nhằm tẩy bỏ lớp đất đen dính trên vỏ, sau đó được lăn qua đất đỏ Đà Lạt rồi cho vào những bao nhỏ đưa thẳng lên những xe tải đợi sẵn.
Sở dĩ khoai tây Đà Lạt khó có thể cạnh tranh được với khoai tây Trung Quốc là vì giá bán. Khoai tây Trung Quốc trồng theo phương thức công nghiệp, sử dụng thuốc tăng trưởng, nhân công rẻ nên giá thành khi bán qua cửa khẩu Việt Nam chỉ khoảng 3.300 đồng - 3.800 đồng/kg. Củ khoai khi ăn nhạt, vị không thơm, nhiều tinh bột như khoai Đà Lạt, thế nên, nếu được chọn, không người tiêu dùng nào muốn mua khoai Trung Quốc vì sợ nhiễm chất cấm, ảnh hưởng tới sức khỏe, do đó, "công đoạn" nhuộm đất đỏ rất quan trọng. Sau khi về Đà Lạt, bằng những "thủ thuật", giá này sẽ được đẩy lên 12.000 đồng/kg và đến tay người tiêu dùng là từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg. Với giá như vậy đã cho lãi khủng nhưng vẫn thấp hơn chút ít so với khoai Đà Lạt bán ra thị trường. Chính điều này đã khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là khoai tây Đà Lạt thật, đâu là khoai tây Trung Quốc "nhái" thương hiệu. Vì hám lợi mà nhiều tư thương trong nước đã và đang "bóp nghẹt" một thương hiệu khoai tây Đà Lạt.
Đến những chiêu trò phá hoại
Nếu như khoai tây Đà Lạt "thua trên sân nhà" thì dọc các tỉnh miền Trung, từ Thừa Thiên Huế vào đến Quảng Ngãi, Khánh Hòa... phải chứng kiến sự lũng đoạn có chủ đích của thương lái Trung Quốc nhằm phá hoại nền nông nghiệp nước ta. Làm việc với chúng tôi, ông Phạm Lánh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc tận thu cây gỗ trắc dây trên địa bàn Khánh Hòa. Đây là cây gỗ thuộc nhóm 1, sống ở đất cằn, cát, chủ yếu mọc ở các đảo xa, ngoài khơi các xã Ninh Lộc, Ninh Hà, Ninh Vân... Thời gian đầu, thương lái mua những thân to, sau đó từ tháng 2 đến tháng 4-2014, tận mua kể cả những cành nhỏ, cân lên với giá 7.000-8.000 đồng/kg khiến người dân khai thác triệt để.
Theo thương lái thu gom cây trắc dây ở xã Ninh Hòa Trần Văn Sang, phía thương lái Trung Quốc tới đặt hàng từ đầu năm 2014 và tiến hành thu mua mạnh trong khoảng 2 tháng (tháng 3, 4-2014). Ban đầu, họ đặt tiền và trả sòng phẳng, ở lúc cao trào, cây trắc dây được mua với giá từ 13.000 đến 15.000 đồng/kg. Người dân đổ xô đi chặt, có ngày mỗi người được cả 100kg gỗ trắc dây. Thế nhưng từ tháng 5 đến nay thì chững lại. Các đầu nậu chất đống, tồn từ 20 đến 30 tấn gỗ. Mọi liên lạc với thương lái Trung Quốc đều chỉ qua điện thoại di động. Giờ gọi thì máy họ luôn tắt. Hậu quả để lại là cây trắc dây có khả năng làm sạch không khí, giữ đất tại các đảo xa không có cơ hội tái tạo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.
Cũng tại địa phương này, thương lái Trung Quốc còn tổ chức thu mua rong mơ với số lượng lớn. Theo lời kể của bà Cao Thị Kim Nhung, thôn Đông, xã Ninh Vân thì có thể tóm lược câu chuyện thu mua ở thương lái Trung Quốc không khác gì câu chuyện tìm mua cây gỗ trắc dây là mấy. Vẫn thủ đoạn cũ, thu mua ban đầu với giá cao khiến người dân tin tưởng, tạo thành "cơn sốt" khiến nhà nhà khai thác, đầu nậu trữ hàng với số lượng lớn để bán. Thế nhưng, khi nguồn hàng nhiều, thương lái Trung Quốc lại tổ chức thu mua nhỏ giọt, cầm chừng. Nguồn lợi chưa thấy đâu nhưng nguy cơ thấy rõ trước mắt là rong mơ, thực vật có vai trò rất quan trọng đối với môi trường, là nơi làm tổ của các loài thủy sản, hấp thụ các chất thải hữu cơ tại các vùng cửa biển, đang bị khai thác theo kiểu tận diệt, là nguy cơ dẫn đến sự suy thoái về môi trường, nguồn lợi ven bờ.
Rõ ràng, những thiệt đơn, thiệt kép xuất phát từ cả tin của người nông dân khi "sập bẫy" thương lái Trung Quốc đã để lại những hậu quả vô cùng đau xót. Câu chuyện về cây ớt được mùa ở xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi, cũng vậy. Theo như ông Trần Thanh Trạng, Chủ tịch UBND xã, vụ ớt năm trước cho kết quả tốt, thương lái tới thu gom số lượng lớn với giá cao, đầu vụ mua tới giá 25.000 đồng/kg và khi thấp nhất cũng ở mức 15.000 đồng/kg. Trừ các chi phí chăm sóc, phân bón, nếu mỗi kilôgam mua ở mức thấp nhất, người nông dân cũng có lãi gần gấp 3 lần. Vụ mùa mới, nhiều hộ gia đình đã tăng diện tích trồng ớt từ 3 lên 5 đến 6 sào. Thế nhưng, khi vào vụ thu hoạch, thương lái Trung Quốc lại không thu mua nhiều, đồng thời ép giá xuống còn 8.000 đồng - 8.500 đồng/kg. Vụ ớt được mùa mà không có đầu ra, nhiều hộ gia đình phải nhổ bỏ ớt để trồng cây khác...
(Còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.