Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đang mở ra hướng phát triển cho Hà Nội ở những giai đoạn sau.
Từ quy hoạch mới này, tiềm lực cho phát triển nông nghiệp đô thị khá rõ nét và phù hợp khi Hà Nội có tới 70% diện tích là khu vực nông nghiệp gắn với vùng xanh, nông thôn...
Chủ động trong quy hoạch
Là huyện thuần nông phía Tây Nam Hà Nội, những năm gần đây, Thanh Oai phát triển như mẫu hình đô thị sinh thái mới của Thủ đô. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng chia sẻ: Cùng với định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, huyện Thanh Oai đã chủ động điều chỉnh quy hoạch trong điều kiện phát triển mới và xin ý kiến thành phố.
“Về địa hình, Thanh Oai trải dài từ Bắc xuống Nam với 3 trục giao thông chính: Quốc lộ 21B qua trung tâm huyện; trục đê tả Đáy phía Tây huyện; trục đường phát triển phía Nam. Tới đây, trên địa bàn huyện sẽ có đường Vành đai 4, đây là điều kiện thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế của huyện. Theo đó, huyện điều chỉnh quy hoạch theo hướng khai thác tối đa lợi thế hạ tầng giao thông. Thanh Oai sẽ phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái bám dọc các tuyến sông, điều này phù hợp với quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ông Sáng phân tích.
Không riêng Thanh Oai, tốc độ đô thị hóa, đặc biệt là xây dựng huyện thành quận đang là thách thức song cũng là cơ hội lớn cho phát triển nông nghiệp của Đông Anh. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho biết, huyện đã hoàn thiện 87/87 đồ án quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 khu vực dân cư hiện có trên địa bàn đã được phê duyệt, làm cơ sở để quản lý, đầu tư xây dựng, tạo nguồn lực. Huyện cũng đã đề nghị thành phố cho phép tổ chức lập quy hoạch phân khu đô thị đối với hơn 2.000ha còn lại ở các xã miền Đông của huyện theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô. Trong đó, Đông Anh quy hoạch phần diện tích bãi và một số xã sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch. Với quy hoạch này, nền nông nghiệp đô thị của huyện được hiện hữu rõ nét, từ đó doanh nghiệp, hợp tác xã có thể bám sát quy hoạch để xây dựng vùng sản xuất gắn với khu bảo quản, chế biến...
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, ngành Nông nghiệp Thủ đô không nhất thiết phải tập trung sản xuất hàng hóa có lợi thế để xuất khẩu hay cung cấp cho thị trường trong nước như các tỉnh, thành phố khác mà cung cấp thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; cung cấp sản phẩm giá trị cao (sinh vật cảnh, cây công trình…) cho thành phố; cung cấp nguyên liệu, vật liệu, giống có chất lượng tốt với hàm lượng chất xám cao cho các tỉnh lân cận; bảo đảm vai trò dự trữ, nâng cấp, điều chuyển tài nguyên (đất, nước, con người...), xử lý môi trường, phục vụ cảnh quan thành phố. Từ định hướng này, sẽ điều chỉnh đúng cho từng ngành, đặc biệt là quy hoạch chung cho các vùng nông nghiệp trên cơ sở quy hoạch chung của Thủ đô.
Tập trung phát triển nông thôn mới và đô thị sinh thái
Từ quy hoạch chung của Thủ đô, ngành Nông nghiệp cũng chủ động điều chỉnh quy hoạch theo hướng “đón đầu”, phù hợp xu thế và điều kiện phát triển. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, với tầm nhìn mới, Hà Nội cần xác định phát triển nông nghiệp Thủ đô trên cơ sở phát huy lợi thế nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử, trong đó, lợi thế lớn nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Hà Nội hiện có 24 quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp, dân số vùng nông thôn chiếm gần 50% dân số Thủ đô; sản xuất nông nghiệp đang đáp ứng 50-60% nhu cầu lương thực, thực phẩm của thành phố; nông nghiệp vẫn giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế Thủ đô và chiếm vai trò chủ đạo trong Vùng Thủ đô. “Phát triển nông nghiệp Hà Nội trong tương lai cần dựa trên cơ sở đặc thù, lợi thế của Thủ đô là thị trường và con người. Nông nghiệp Hà Nội không thể cạnh tranh với các tỉnh đồng bằng khác bằng lợi thế đất đai, lao động giá rẻ. Nông nghiệp Hà Nội không nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ, cũng không nhằm xuất khẩu nông sản. Nông sản chất lượng tốt nhất, đặc trưng nhất, đặc sắc nhất phải nhằm cung cấp cho thị trường khoảng 10 triệu dân Thủ đô cùng khoảng 2-3 triệu du khách và 100 triệu dân Việt Nam”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên gợi ý.
Định hướng quy hoạch, phát triển này cũng được Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ trong nhiều hội thảo, hội nghị về phát triển nông nghiệp. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị sinh thái theo hướng hiện đại; đột phá về khoa học công nghệ, tổ chức quản lý và phương thức sản xuất; tạo ra nông sản hàng hóa tập trung, phát huy lợi thế cạnh tranh, liên kết vùng, khai thác có hiệu quả, bền vững các nguồn lực. Theo đó, phát triển nông nghiệp phải gắn với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch phát triển nông nghiệp quốc gia đã được phê duyệt, có sự liên kết chặt chẽ với các địa phương để nhân lên tầm vóc của nông nghiệp Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.