Cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nhiều nông dân không thể trồng trọt như trước dù nước này là một trong những vựa trồng ngũ cốc lớn nhất thế giới.
Những nỗ lực của Ukraine nhằm phục hồi xuất khẩu ngũ cốc bằng đường biển bất chấp lệnh phong tỏa quân sự của Nga đã mang lại tia hy vọng cho ngành Nông nghiệp đang bấp bênh của quốc gia này.
Sau khi Nga rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen hồi tháng 7 vừa qua, Ukraine đã thiết lập một “hành lang nhân đạo” dọc theo bờ biển phía Tây gần Romania và Bulgaria để mở đường cho các tàu chở hàng bị mắc kẹt tại các cảng của nước này. Hoạt động hàng hải đã trở lại vào tháng 8. Thực tế, Ukraine đã sử dụng hành lang này để khôi phục xuất khẩu bằng đường biển mà không cần sự chấp thuận của Nga. Do cuộc xung đột với Nga chưa có hồi kết, việc Ukraine tiếp cận Biển Đen là rất quan trọng nếu nước này muốn duy trì ngành Nông nghiệp nước này, từng là nhà cung cấp ngũ cốc lớn thứ tư thế giới và chiếm một nửa tổng xuất khẩu của Ukraine năm ngoái.
Mặc dù khối lượng xuất khẩu thấp hơn đáng kể so với thỏa thuận ngũ cốc do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc làm trung gian, song các chuyên gia cho rằng, tuyến đường thương mại mới của Ukraine có thể đang phát triển. Sau nhiều chuyến đi thành công, Ukraine đã nhìn thấy cơ hội chuyên chở hàng hóa dọc “hành lang nhân đạo”. Thứ trưởng Bộ Cải tạo và Cơ sở hạ tầng Ukraine Yury Vaskov cho biết, tổng cộng 4,4 triệu tấn hàng hóa, trong đó có 3,2 triệu tấn ngũ cốc, đã được vận chuyển qua hành lang này. Đây chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 30 triệu tấn thực phẩm được xuất khẩu theo sáng kiến ngũ cốc...
Trước khi xảy ra cuộc xung đột với Nga vào tháng 2-2022, Ukraine đã vận chuyển tới 6 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng từ các cảng bên bờ Biển Đen. Mátxcơva đã đe dọa tấn công vào các tàu đến và đi từ các cảng của Ukraine, khiến nhiều chủ tàu gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, tuyến đường mới đã trở thành lối thoát cho nông dân Ukraine đang vật lộn để đưa sản phẩm của họ ra khỏi đất nước bị bao vây.
Các nhà phân tích nhận định, hành lang qua Biển Đen hiệu quả hơn nhiều so với các tuyến đường thay thế. Các cảng biển sâu và cảng sông Danube hiện là điểm xuất cảnh chính của hàng hóa Ukraine. Bloomberg đưa tin hồi đầu tháng 11, 9 tàu Panamax, trong đó có tàu chở ngũ cốc cỡ lớn đã vào cảng trên Biển Đen - dấu hiệu cho thấy một số chủ tàu đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro để gửi những con tàu lớn hơn và có giá trị hơn qua vùng biển nguy hiểm tới Ukraine. Các nhà sản xuất Ukraine nhận thấy khả năng đạt 2-2,5 triệu tấn ngũ cốc xuất khẩu hằng tháng qua hành lang này, kết hợp với các tuyến đường bộ và trung chuyển qua sông Danube có thể đưa thương mại tổng thể trở lại nhịp độ trước chiến tranh, là 5-6 triệu tấn/tháng.
Spike Brokers, cơ quan theo dõi xuất khẩu ở Ukraine, cho biết từ ngày 1 đến 17-11, Ukraine đã xuất khẩu 404.000 tấn nông sản qua sông Danube và 352.000 tấn từ các cảng Biển Đen; đến cuối tháng 11, sẽ có thêm hàng trăm nghìn tấn hàng rời khỏi các cảng này. Denys Marchuk, Phó Chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp - doanh nghiệp nông nghiệp lớn nhất Ukraine, cho biết: “Tình hình trong những tháng tới sẽ tốt hơn so với tháng 9 và tháng 10, khi các tàu lớn bắt đầu cập bến và số lượng công ty bảo hiểm bảo đảm rủi ro ngày càng tăng”.
Ukraine là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Duy trì xuất khẩu ngũ cốc là chìa khóa cho nền kinh tế của Kiev, vốn đã suy giảm khoảng 1/3 vào năm ngoái. Hiệp hội Thương mại ngũ cốc Ukraine (UGA) ước tính, ngành Nông nghiệp đã thiệt hại hơn 25 tỷ USD kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Hiện xuất khẩu nông sản chỉ đạt 3,6 triệu tấn vào tháng 9 so với 6,8 triệu tấn cùng kỳ năm 2022.
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Ukraine, xuất khẩu ngũ cốc của nước này trong niên vụ 2023-2024 (bắt đầu vào tháng 7) đang thấp hơn 28% so với năm trước. Diện tích trồng ngô, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Kiev, đã giảm 1/4 kể từ khi bắt đầu xung đột và tổng diện tích trồng trọt có thể giảm hai con số phần trăm vào năm 2024. Bộ Nông nghiệp Ukraine ước tính, việc gieo trồng lúa mì mùa đông sẽ giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái, là do khi thời tiết khô hạn vào mùa thu sẽ làm tăng thêm các khó khăn của nông dân...
Trước thực trạng trên, một kênh vận chuyển mới ở Biển Đen có thể là giải pháp cho Ukraine. Dù tương lai vẫn bị che mờ bởi những rủi ro từ chiến sự, nhưng Jean-Francois Lepy, người đứng đầu bộ phận kinh doanh ngũ cốc tại Tập đoàn kinh doanh nông nghiệp Pháp InVivo, nhận định: “Nếu không có hành lang nhân đạo này thì nền nông nghiệp sẽ xảy ra vấn đề nghiêm trọng vào năm 2024-2025. Vì thế, hành lang biển rất cần thiết để nông nghiệp Ukraine tồn tại”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.