Du lịch

Cần cơ chế đặc thù cho du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển:Bài cuối: Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với nền nông nghiệp đa giá trị

Bạch Thanh 02/03/2024 - 18:34

Những năm qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và đang tận dụng tối đa lợi thế đa dạng hệ sinh thái tự nhiên, bản sắc văn hóa để tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch trải nghiệm.

Những mô hình này không chỉ góp phần nâng cao năng lực cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, mà hơn hết góp phần đưa nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng đa giá trị, phát huy tối đa nguồn lực đất đai.

gd-so-nn2.jpg
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại

Xoay quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại về con đường, định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái của Thủ đô trong thời gian tới.

Kết quả bước đầu và nhận diện những khó khăn chung

- Hoạt động du lịch nông nghiệp thời gian qua đã xuất hiện ở khá nhiều địa phương của Hà Nội. Ông có thể chia sẻ bức tranh toàn cảnh ngành Du lịch nông nghiệp hiện nay của Thủ đô?

- Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm, thuộc 7 quận, huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phúc Thọ, Ba Vì, Chương Mỹ, Long Biên và Hà Đông; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm.

Các mô hình này đã thu hút một số lượng lớn lao động trong vùng, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương. Số lao động trung bình 20 người/trang trại, còn lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp dao động từ 20 đến 100 người, phục vụ cho các hoạt động dịch vụ của hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ khách du lịch như: Hướng dẫn khách du lịch trồng, chăm sóc rau, cày bừa, gặt lúa nước... Bình quân doanh thu trang trại du lịch đạt 2,5 tỷ đồng/trang trại/năm.

Một số mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch nông nghiệp điển hình của Hà Nội như mô hình kinh tế trang trại sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, sinh vật cảnh của quận Long Biên. Hay huyện Phúc Thọ đã phê duyệt Đề án “Phát triển hoa, cây cảnh gắn với du lịch sinh thái xã Tích Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trên tổng diện tích theo quy hoạch khoảng 140ha. Mô hình Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) với quy mô gần 10ha, trồng hoa cây cảnh, nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, hợp tác xã đón khoảng 20.000 lượt khách về tham quan, trải nghiệm với doanh thu từ du lịch đạt hơn 1 tỷ đồng/năm...

3-trang-trai-dong-que-1.jpg
Du khách tham quan và trải nghiệm hoạt động thu hoạch nông sản tại trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì). Ảnh: Bạch Thanh

Ngoài ra, còn có các mô hình do các tổ chức, cá nhân đầu tư cũng mang lại giá trị cao, như: Trang trại đồng quê Ba Vì; nông trại dê trắng dưới chân núi Ba Vì; Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn)…

- Bên cạnh những kết quả bước đầu, theo ông, việc phát triển các mô hình du lịch gắn với nông nghiệp của Hà Nội còn những khó khăn nào?

- Hiện nay, khó khăn chung của hầu hết mô hình là chưa có tiêu chuẩn, tiêu chí cũng như khái niệm cụ thể về mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm, dẫn tới việc triển khai đầu tư, xây dựng nhiều nơi còn lúng túng.

Đặc biệt, với những mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm, bắt buộc phải có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng để phục vụ khách tham quan, chụp ảnh, nơi nghỉ ngơi tránh mưa, nắng, khu vực phục vụ ăn uống, nhà bảo vệ... Tuy nhiên, sự đầu tư này gặp rất nhiều khó khăn do chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp.

Mặt khác, việc đầu tư cho nông nghiệp sinh thái kết hợp trải nghiệm đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, song vì cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cho loại hình này còn hạn chế (chủ yếu mới là hỗ trợ về tư vấn thiết kế, tập huấn, tuyên truyền) nên chưa thu hút được nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn...

Nhìn chung, các mô hình dịch vụ du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái của Hà Nội hiện còn manh mún, nhỏ lẻ; cấu trúc tự phát, năng lực chưa đồng đều, thiếu sự kết nối. Ngoài một số mô hình được các huyện đầu tư, còn lại đa phần các mô hình đều là tự phát nên cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ (đường giao thông, thủy lợi, khu ăn uống, nghỉ ngơi, trưng bày, giới thiệu sản phẩm...).

Chưa kể, sản phẩm nông nghiệp sinh thái của Hà Nội chưa thật sự phong phú, chưa gắn với bản sắc văn hóa riêng của địa phương; đồng thời, chưa có sự gắn kết của các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dẫn tới sức hút chưa lớn.

Định hướng phát triển bền vững

- Là mô hình mới nên Trung ương cũng như thành phố Hà Nội đã và đang tạo dựng hành lang pháp lý cho mô hình này phát triển. Vậy đó là những chính sách gì, thưa ông?

- Thời gian qua, Trung ương và thành phố Hà Nội đã có những chủ trương, chỉ đạo quyết liệt về việc phát triển nông nghiệp sinh thái với nhiều chính sách cụ thể. Với Trung ương đó là Nghị quyết số 19-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đưa ra mục tiêu phát triển nông nghiệp của Hà Nội là: “Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc”.

Hay như Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó có nhiệm vụ: "Xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững".

phu-dong-green-park-2.jpg
Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm).

Còn với Hà Nội, đó là Chương trình 04-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm; Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 4-3-2022 của UBND thành phố về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

HĐND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023, trong đó Điều 15 quy định về chính sách hỗ trợ mô hình điểm phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm.

Đặc biệt hiện nay, Luật Đất đai (sửa đổi), ban hành ngày 18-1-2024, đã quy định về việc cho phép xây dựng công trình trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp, đất lúa. Tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được trình Quốc hội ban hành cũng đã đề xuất về quy định xây dựng công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ việc chế biến, bảo quản, trưng bày giới thiệu sản phẩm, cảnh quan du lịch, giáo dục trải nghiệm; được quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn và ngoài quy định của Trung ương.

- Hành lang pháp lý trên nếu được cụ thể hóa thì du lịch nông nghiệp của Hà Nội sẽ có nhiều dư địa phát triển, trở thành một ngành kinh tế chính ở nông thôn. Vậy để thực hiện những chủ trương, chính sách trên, ngành Nông nghiệp Hà Nội có đề xuất, giải pháp ra sao, thưa ông?

- Trước mắt, cơ quan chức năng cần xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp giáo dục trải nghiệm. Hiện nay, Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định: Người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đất kết hợp đa mục đích; được sử dụng một diện tích đất theo quy định của UBND cấp tỉnh để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp, sản xuất nông nghiệp. Trường hợp sử dụng đất trồng lúa thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Theo đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định về loại công trình phục vụ trực tiếp, sản xuất nông nghiệp và tỷ lệ diện tích để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp, sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, chúng tôi sẽ phối hợp với Viện Kinh tế xã hội Hà Nội rà soát, đưa vào Quy hoạch Thủ đô các vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch, trải nghiệm, trong đó tập trung ở những vùng, những khu vực có điều kiện đặc trưng về văn hóa, kinh tế - xã hội phù hợp để kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm, tránh bỏ ngỏ tiềm năng, song cũng ngăn chặn việc phát triển nóng, làm xáo trộn, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, cảnh quan, kiến trúc nông thôn.

Hiện nay, thành phố Hà Nội đang đề xuất trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép HĐND thành phố được ban hành các cơ chế, chính sách với đối tượng, phạm vi, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn và ngoài quy định của Trung ương; đồng thời, cho phép UBND thành phố được chủ động phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa và quy định tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được phép xây dựng công trình bán kiên cố phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Nếu được thông qua, đây sẽ là một trong những nội dung có thể đem lại sự bứt phá cho nông nghiệp Thủ đô nói chung và nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm nói riêng. Đồng thời, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc đối với việc xây dựng các công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp...

3-trang-trai-dong-que-3.jpg
Du khách không chỉ đến nông thôn để trải nghiệm không gian đẹp, mà còn để thấu hiểu nhịp sống của làng quê. (Ảnh chụp tại Trang trại Đồng quê, huyện Ba Vì). Ảnh: Bạch Thanh

- Để du lịch nông nghiệp phát triển đúng định hướng, ông khuyến cáo các nhà đầu tư, chính quyền địa phương cần tiếp cận theo hướng nào?

- Để gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, việc kết hợp đa dạng các loại hình kinh tế gắn với sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết và cần có sự vào cuộc từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, phải có sự quyết tâm đổi mới, sáng tạo của người nông dân để có nền nông nghiệp xanh, sạch, đẹp và hiệu quả.

Các địa phương và nhà đầu tư cần lưu ý, phát triển du lịch nông thôn bền vững đòi hỏi sự tập trung vào yếu tố cộng đồng, bản sắc, thay vì theo đuổi những xu hướng ngắn hạn. Hoạt động du lịch nông thôn trở thành một phần của cộng đồng, yêu cầu sự kết nối giữa những ngôi nhà trong cùng một làng, kết nối giữa thiên nhiên và cảnh quan vùng nông nghiệp. Du khách không chỉ đến nông thôn để trải nghiệm không gian đẹp, mà còn để thấu hiểu nhịp sống của làng quê mang đặc trưng riêng từng vùng.

Bên cạnh đó, làm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái không có nghĩa là xây dựng một ngôi làng mới, một vùng quê mới lại từ đầu. Thay vào đó, cộng đồng hãy cùng nhau tạo dựng cảnh quan, làm cho nông thôn trở nên phong phú hơn, giàu cảm xúc hơn. Làm đường mới, sửa sang nhà, trồng hoa ven đường… cho không gian thêm thân thiện. Mỗi vùng cần thuận theo tự nhiên, tôn trọng tự nhiên, làm đẹp trên nền tảng tự nhiên để phát triển bền vững.

Nếu chúng ta biết tận dụng tài nguyên tự nhiên, tạo ra những trải nghiệm độc đáo, chúng ta sẽ tạo ra nguồn tài nguyên du lịch thực sự một cách rẻ nhất, khôn ngoan nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần cơ chế đặc thù cho du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển: Bài cuối: Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với nền nông nghiệp đa giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.