(HNM) - Chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để buôn bán, kinh doanh không phải là vấn đề mới, đặc biệt với một thành phố đất chật người đông và có tốc độ đô thị hóa
Công an phường Tràng Tiền nhắc nhở các hộ dân không để xe lấn chiếm vỉa hè. |
Lòng đường, vỉa hè thành... của riêng!
Một nữ du khách người Australia lần đầu đến Hà Nội đã vô cùng ngạc nhiên thốt lên: "Thành phố của các bạn thật đẹp, rất nhiều cây xanh, những góc phố nhỏ cổ kính với nhiều công trình kiến trúc đẹp mắt. Người Hà Nội vô cùng thân thiện và đáng mến. Nhưng đáng tiếc, tôi không thể đi bộ để ngắm nhìn thật kỹ đường phố của các bạn. Tất cả vỉa hè đều chật kín hàng quán, người và xe...".
Nhận xét trên là hoàn toàn xác đáng. Bởi lẽ lâu nay, việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm của riêng đã trở thành "luật bất thành văn" của hầu hết những người có nhà mặt phố. Trên thực tế, tại hầu hết các tuyến phố lớn hay nhỏ, cũ hay mới trên địa bàn Hà Nội, vỉa hè đều được trưng dụng vào mục đích buôn bán, kinh doanh để sinh lời. Đây là điều dễ hiểu, bởi trong thời buổi tấc đất tấc vàng, "làm giám đốc không bằng ngồi mốc có nhà cho thuê", tuyệt đại đa số các ngôi nhà mặt phố đều được tận dụng để mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán. Từ người bỏ tiền để thuê mặt bằng hay gia chủ trực tiếp kinh doanh đều có chung tâm lý tận dụng từng centimet diện tích cửa hàng và cả không gian vỉa hè phía trước. Thế là, vỉa hè từ chỗ dành riêng cho người đi bộ bỗng chốc biến thành nơi bày biện hàng hóa, bàn ghế, thậm chí là nơi chủ nhà, chủ cơ sở kinh doanh "độc quyền" dành để khách dựng xe... Từ những tuyến phố ẩm thực như Mai Hắc Đế, Tống Duy Tân, Tô Hiến Thành, Tạ Hiện..., "phố cà phê" Triệu Việt Vương, Nguyễn Du, Hàng Hành..., phố chuyên kinh doanh quần áo như Trần Nhân Tông, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Cót..., đến những trục phố chính như Phố Huế, Bà Triệu, Quán Thánh, Nguyễn Thái Học..., tất cả vỉa hè đều cùng chung số phận. Thậm chí, ngay những đoạn vỉa hè rộng thênh thang trước cổng các trường đại học (ĐH) như ĐH Bách khoa, ĐH Giao thông - Vận tải, ĐH Luật... hay vỉa hè bao quanh những khu vui chơi, giải trí như Công viên Thống Nhất, Vườn thú Hà Nội... lâu nay cũng bị chiếm dụng làm nơi bày bán sách báo, đồ dùng hạ giá, nước giải khát... Song, có lẽ bị chiếm dụng một cách "thô bạo" nhất phải kể đến vỉa hè bao quanh các bệnh viện (BV) như BV Bạch Mai, BV Đa khoa Xanh - Pôn, BV Quân y 108, BV Hữu Nghị Việt - Xô, BV Việt - Đức, BV Phụ sản trung ương, BV K Hà Nội... Từ sáng sớm đến đêm khuya, vỉa hè ở những khu vực này là địa điểm lý tưởng để cánh taxi, xe ôm, hàng rong và cả người nhà bệnh nhân chiếm trọn và hoạt động hết công suất. Tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt của người dân ngay trên vỉa hè phố Hai Bà Trưng, đoạn trước cổng BV K Hà Nội vào buổi trưa mới thấy hết sự lộn xộn, ồn ào, mất an ninh trật tự ở đây.
Vỉa hè đã thế, lòng đường còn "thảm hại" hơn. Trừ một số tuyến đường mới mở ở các khu đô thị, hầu hết đường phố ở Hà Nội đều trong tình trạng "ngõ nhỏ, phố nhỏ". Áp lực của tình trạng tăng dân số cơ học kéo theo lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến là nguyên nhân khiến các điểm giao thông tĩnh của thành phố trở nên cực kỳ quá tải. Để giải bài toán trước mắt, không còn cách nào khác là dành một phần lòng đường cho việc kẻ vạch, cắm biển mở dịch vụ trông giữ xe. Lòng đường vốn là nơi các phương tiện tham gia giao thông, nay bỗng chốc biến thành "mảnh đất màu mỡ" để một số đơn vị kinh doanh mà không mất vốn. Chỉ trong thời gian ngắn, tình cảnh lộn xộn tại các điểm trông giữ xe ngay dưới lòng đường đã trở thành nguyên nhân chính gây nên cảnh ùn tắc giao thông tại hàng loạt tuyến phố trên địa bàn Thủ đô. Trước tình trạng đó, đầu năm 2012, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản thu hồi giấy phép trông giữ phương tiện xe đạp, mô tô, ô tô trên vỉa hè, lòng đường tại 262 tuyến phố thuộc 9 quận nội thành, gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ... Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đợt triển khai "ra quân" rầm rộ của lực lượng liên ngành, hầu hết tại 262 tuyến phố đã lại xuất hiện tình trạng các phương tiện "tái chiếm" lòng đường, vỉa hè như chưa hề có lệnh cấm!
Nhếch nhác "Tuyến phố văn minh đô thị"
Với mục đích tạo các tuyến phố kiểu mẫu về văn minh đô thị, ngay từ năm 2008, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 2053/QĐ-UBND về việc cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên hè phố, lòng đường đối với 56 tuyến phố thực hiện văn minh đô thị (VMĐT) và phê duyệt danh sách 62 tuyến phố không được phép kinh doanh, buôn bán trên hè phố. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai, đến nay hầu hết các tuyến phố nằm trong danh sách được gắn biển "Tuyến phố VMĐT" đều trong cảnh lộn xộn không khác nhiều so với những tuyến phố thường. Mặc dù giải pháp của cơ quan chức năng nhằm tạo nên một diện mạo mới cho Thủ đô liên tục được triển khai, tuy nhiên, khi những "chiến dịch" rầm rộ qua đi thì vỉa hè lại trở lại với hình ảnh quen thuộc của nó: Bừa bộn xe cộ, hàng quán và ngập ngụa rác thải. Hiện trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường dường như đã trở thành một "căn bệnh" rất dễ tái phát và chưa có thuốc đặc trị.
Qua khảo sát thực tế tại một số tuyến phố VMĐT của Hà Nội, một điều dễ nhận thấy là trật tự VMĐT ở những tuyến phố này đã có sự ổn định hơn. Thế nhưng, lại phát sinh vấn đề khá phức tạp trên các tuyến phố này đó là tình trạng dừng đỗ ô tô, xe máy trái quy định. Dọc theo 3 "Tuyến phố VMĐT" của quận Đống Đa là Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng và Tây Sơn, không khó để nhận thấy thực trạng này. Đây là những tuyến phố có hoạt động mua bán thời trang rất tấp nập. Và, dù chiều rộng vỉa hè chưa đầy 2m nhưng những chiếc xe máy vẫn ngang nhiên chiếm dụng, đẩy người đi bộ xuống lòng đường tham gia giao thông. Cần phải nhắc lại là, tại chương 2, Điều 6, Quyết định số 68/2005/QĐ-UB ngày 13-5-2005 (Quyết định ban hành Quy định về công nhận tuyến phố VMĐT trên địa bàn thành phố Hà Nội) đã nêu rõ rằng: Chỉ đối với những tuyến phố dài, hè có mặt cắt rộng trên 5m thì mới được Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép sử dụng tạm thời hè, đường để trông giữ phương tiện.
Khảo sát tại một số tuyến phố có diện tích vỉa hè rộng như phố Kim Mã, phố Bà Triệu…, tình hình có vẻ khả quan hơn, xe cộ để ngay ngắn trong vạch vôi quy định. Tuy nhiên, để có được điều đó thì như ông Nguyễn Văn Minh, nhà ở phố Kim Mã cho hay: "Hằng ngày, lực lượng công an và dân phòng phải lượn như đèn cù"!
Trên thực tế, nếu chiếu theo tiêu chí tuyến phố VMĐT do UBND thành phố ban hành thì đến nay nhiều tuyến phố không bảo đảm được những tiêu chí cả về hạ tầng giao thông đô thị lẫn hoạt động kinh doanh thương mại. Trong "Năm trật tự và văn minh đô thị" 2014 này, để trật tự và VMĐT ở các tuyến phố trên thực sự đáp ứng được những tiêu chí ban đầu đề ra, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần siết ngay từ khâu bình chọn, gắn biển những tuyến phố VMĐT. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho người dân sinh sống tại các tuyến phố VMĐT thực sự được "hưởng thụ" sự văn minh, cần bố trí những điểm trông giữ xe một cách hợp lý, tránh tình trạng chỉ cắm biển cấm rồi bỏ mặc người dân tự lo thì chắc chắn tình trạng vi phạm là khó tránh khỏi. Với các tuyến phố VMĐT nhưng không giữ vững được tiêu chí ban đầu đề ra, để xảy ra cảnh nhếch nhác, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè... cơ quan chức năng cần kiên quyết xóa tên, rút bỏ danh hiệu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.