Hà Nội kết nối

TP Hồ Chí Minh: Tái bố trí vỉa hè, lòng đường “chậm, chắc”

An Tôn 05/01/2024 - 11:04

Một số quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai những bước đầu tiên của việc sử dụng vỉa hè, lòng đường ngoài mục đích giao thông.

a166.jpg
Công nhân kẻ vạch sơn trên một số tuyến phố quận 5 để phân định phần đường cho người đi bộ và phần để xe 2 bánh.

Những bước chuẩn bị ban đầu

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024, một số phường của quận 5, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai kẻ sơn vỉa hè những tuyến đường dự kiến được sử dụng vỉa hè và lòng đường ngoài mục đích giao thông, chuẩn bị cho việc thực hiện Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND ngày 26-7-2023 của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó, một số tuyến đường quanh các chợ và Trung tâm Thương mại An Đông cũng được quy hoạch để trông giữ xe 2 bánh có thu phí.

Ngoài ra, quận 5 còn nhiều tuyến đường được thành phố quy hoạch sử dụng lòng đường, hè phố để tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội), khoảng 5 đến 6 đợt trong năm. Trong đó, có cả tuyến đường tổ chức chợ cho Lễ hội Trung thu trong một tháng như đường Nguyễn Án, Phú Đinh.

a161.jpg
Một tuyến phố quận 5 đã bố trí nơi để xe quy củ hơn.

Ông Lương Chí Sinh, ngụ tại đường Chiêu Anh Các (phường 5, quận 5), chia sẻ: Nếu làm thế này để quản lý tốt hơn thì tôi và nhiều người ủng hộ. Lâu nay, nhiều đoạn hè phố này vẫn là nơi trông xe có thu phí với người ra vào chợ An Đông. Nhiều khi xe lấn hết hè, người phải đi bộ xuống lòng đường. Nay phân định rõ ràng, ngân sách có thêm nguồn thu, mỹ quan đô thị bảo đảm, tôi hy vọng mọi việc sẽ tốt hơn.

a157.jpg
Hè phố quận 1 đã phong quang hơn.

Trước đó, nhiều tuyến đường có vỉa hè rộng tại trung tâm quận 1 cũng đã được kẻ vạch sơn phân định phần “không dùng cho giao thông”. Bà Trần Thị Nghĩa, ngụ tại đường Trần Hưng Đạo, phường Bến Thành cho biết, phường đã có hướng dẫn sơ bộ về chính sách sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè phục vụ các mục đích ngoài giao thông.

Đơn cử, vỉa hè nơi có thể trông giữ xe sẽ thu phí 500.000 đồng/m2/tháng tại các tuyến phố trung tâm. Các tuyến phố khác thu từ 180.000 đến 350.000 đồng/m2/tháng.

Cơ chế rõ ràng

Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh thông tin, đến hết tháng 12-2023, Sở đã cùng các sở, ngành và chính quyền địa phương thực hiện xong công tác khảo sát các tuyến hè, đường có thể dùng cho mục đích không phải giao thông; niêm yết công khai tên phí, mức thu, phương thức thu, các đề án, phương án khai thác, danh mục tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố.

a160.jpg
Một phần vỉa hè được bố trí làm nơi đỗ ô tô tại quận 1.

Theo đó, các tuyến đường được phân thành 3 loại quy hoạch: Tuyến đường có thể bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng; tuyến đường có thể bố trí điểm trung chuyển rác thải (sẽ quy hoạch diện tích sử dụng không thu phí); tuyến đường đủ điều kiện bố trí điểm trông giữ xe (quy hoạch diện tích có thu phí).

Với hè phố, UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định phân thành 4 loại. Một là hè phố có thể dùng cho kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa (vỉa hè rộng từ 3m, kẻ vạch vàng cho diện tích kinh doanh; phần đường đi bộ bên ngoài rộng ít nhất 1,5m). Hai là vỉa hè để xe 2 bánh không thu tiền (vỉa hè rộng 3m trở lên, phần để xe bên trong vạch màu trắng; phần cho người đi bộ rộng ít nhất 1,5m). Ba là vỉa hè bố trí các công trình phục vụ giao thông, hạ tầng đô thị; các công trình tạm phục vụ tổ chức giao thông. Bốn là phần vỉa hè dành cho người đi xe đạp (theo Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị do Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng ban hành).

a159.jpg
Diện tích dành cho người đi bộ được ưu tiên tuyệt đối.

Để phục vụ người đi bộ, trên các tuyến đường không đủ hoặc chưa có hè phố, ngành Giao thông cũng bố trí tối thiểu hành lang rộng 0,75m dưới lòng đường cùng các biện pháp bảo đảm an toàn để người đi bộ qua lại. Với những tuyến phố tổ chức giao thông 1 chiều có bề rộng từ 5m trở lên, bố trí làn đường đi bộ rộng tối thiểu 0,75 mét sát bên phải chiều xe chạy. Tuyến đường lưu thông 2 chiều rộng từ 7,5m trở lên, bố trí 2 làn bên rộng tối thiểu 0,75m/làn bên phải chiều xe cho người đi bộ.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm khẳng định việc tổ chức sử dụng một số vỉa hè, tuyến phố “không với mục đích giao thông” không phải là ngăn đường thu tiền, mà là thiết lập sự quản lý của Nhà nước với vỉa hè, lòng đường phù hợp với đặc thù đô thị, vừa phục vụ tổ chức giao thông thông suốt, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh của người dân. Thành phố sẽ triển khai chậm, chắc, hoàn thiện các phương án trước khi nhân rộng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Tái bố trí vỉa hè, lòng đường “chậm, chắc”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.