Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Tìm lại những giá trị tốt đẹp

Hà Hiền| 02/03/2014 06:08

LTS: Bao đời nay, nếp sống thanh lịch, văn minh, tính cách hào hoa, phóng khoáng của người Hà Nội; kiến trúc đặc trưng của những ngôi nhà, di tích; vẻ thơ mộng ẩn sau những phố phường sầm uất…

LTS: Bao đời nay, nếp sống thanh lịch, văn minh, tính cách hào hoa, phóng khoáng của người Hà Nội; kiến trúc đặc trưng của những ngôi nhà, di tích; vẻ thơ mộng ẩn sau những phố phường sầm uất… là chất liệu của thi ca, nhạc họa, là niềm tự hào của người Việt Nam, là "đặc sản" của ngành du lịch. Tuy nhiên, do những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình phát triển, đã khiến Hà Nội dần mai một đi nét đẹp thanh lịch vốn có từ ngàn xưa. Nhìn nhận văn hóa là "gốc rễ", là nền tảng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và đất nước, tại hội nghị triển khai Chương trình 04 về "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" (giai đoạn 2011-2016) năm 2014 vừa diễn ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã lưu ý các cơ quan chức năng thực hiện các nội dung Chương trình 04 gắn với "Năm trật tự và văn minh đô thị".

Bài 1: Tìm lại những giá trị tốt đẹp

Không phải đến bây giờ, việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh đô thị mới trở nên bức thiết. Từ năm 2009, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 167 để "dẹp loạn" quảng cáo rao vặt (QCRV); Quyết định số 94 năm 2009 để chấn chỉnh biển hiệu, rồi Kế hoạch số 168 năm 2012 nhằm triển khai thực hiện Luật Quảng cáo và các tuyến phố điểm về quảng cáo tới các địa phương. Và mới đây nhất, trong cuộc họp BCĐ thành phố về "Năm trật tự và văn minh đô thị", Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tập trung triển khai 3 nhiệm vụ trọng tâm: Không để đường phố Hà Nội nhếch nhác, bảo đảm đường thông hè thoáng; đi đúng phần đường, dừng đỗ xe đúng nơi quy định; thực hiện văn hóa ứng xử văn minh nơi công cộng của người Hà Nội.

Biển quảng cáo trên phố Nguyễn Lương Bằng. Ảnh: Như Ý


Nhếch nhác phố phường

Khách quan mà nhìn nhận, phố phường Thủ đô hiện nay gọn gàng và đẹp hơn nhiều so với thời kỳ QCRV có thể "sống" mọi chỗ, mọi nơi; biển hiệu lô nhô đủ kích cỡ, kiểu dáng; băng rôn, khẩu hiệu chăng tùy tiện. Nhưng, so với yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển đô thị, với mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo Chương trình 04 (giai đoạn 2011-2016) thì hệ thống biển hiệu, biển quảng cáo tấm lớn, băng rôn, pano… sai quy định trên nhiều tuyến phố được ví như thứ "rác trời" làm bẩn phố phường. Từ các tuyến phố lớn như Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm), Cầu Giấy (Cầu Giấy)… cho đến các ngõ nhỏ, đâu đâu cũng thấy những biển quảng cáo, cái được treo bên hông nhà, cái ở mặt tiền, cái trên vỉa hè, rồi to, nhỏ, đủ màu sắc che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông. Vi phạm nhiều nhất đối với loại hình quảng cáo này là các cửa hàng kinh doanh dịch vụ áo cưới, thẩm mỹ viện, ô tô, xe máy, ngân hàng… Để chấn chỉnh hoạt động QCRV, các cơ quan chức năng đã "ưu ái" bố trí hơn 1.000 bảng QCRV để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện QCRV miễn phí. Sau một thời gian hoạt động, không ít bảng QCRV đã chuyển đổi "chức năng" thành địa điểm bán hàng nước, tập kết rác, trong khi bốt điện, cột điện, đường dây điện rất nguy hiểm lại trở thành điểm để QCRV. Theo thống kê mới nhất, quận Hoàn Kiếm còn tồn tại gần 600 biển hiệu, hàng chục biển quảng cáo vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo. Đáng nói là, QCRV xóa sạch hôm trước, hôm sau lại xuất hiện. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều địa phương.

Đáng buồn hơn, dù Luật Quảng cáo đã có hiệu lực hơn 1 năm (1-1-2013), song đến nay Hà Nội vẫn còn gần 70 biển quảng cáo tấm lớn không phép chưa được xử lý. Vi phạm nhiều nhất là huyện Từ Liêm với 13 biển, trong đó có 6 biển tại Trạm thông quan Hà Nội tồn tại nhiều năm; 4 biển trên đường Phạm Hùng mới phát sinh trong tháng 1 năm nay. Ngoài 2 biển trong bãi đỗ xe Ngọc Khánh thuộc quản lý của Sở Giao thông vận tải, tồn tại từ năm 2007 đến nay chưa được tháo dỡ, quận Ba Đình còn phát sinh thêm 5 biển sai quy định trong năm 2013. Tương tự, tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài thuộc địa phận xã Phú Cường (Sóc Sơn) cũng mới "mọc" thêm 5 biển quảng cáo không phép… Qua đó có thể thấy, hoạt động quảng cáo ngoài trời vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Ngoài vấn nạn rác trên tường, thì tình trạng rác trên đường cũng gây nhiều nhức nhối. Vứt rác bừa bãi nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường, bẩn phố phường đã trở thành thói quen khó sửa của một bộ phận người dân. Quen đến mức, không ít người dân sinh sống trên địa bàn Hà Nội mặc nhiên chấp nhận chứ không lên án, phê phán.

Đã có "thuốc trị"?

Trong số các chương trình, hoạt động nhằm tìm lại những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội, có thể nói Chương trình 04 là "liều thuốc" trị "bệnh" xuống cấp về văn hóa ứng xử, bước đầu đạt hiệu quả về nếp sống văn minh đô thị. Chương trình đặt ra mục tiêu chung nhất là phát triển văn hóa Thủ đô thực sự xứng tầm là trung tâm văn hóa lớn, tiêu biểu, đi đầu cả nước theo hướng hiện đại, hội nhập với quốc tế trên cơ sở kế thừa truyền thống ngàn năm văn hiến của Thủ đô Anh hùng, thành phố Vì hòa bình; tạo bước chuyển căn bản về nếp sống văn minh đô thị của người Hà Nội, được biểu hiện bằng các quan hệ ứng xử, giao tiếp ở nơi công cộng và trong cách quản lý văn hóa đô thị…

Để cụ thể hóa các mục tiêu này, từ năm 2012 đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn thành phố thực hiện tổng vệ sinh nơi làm việc vào chiều thứ sáu hằng tuần, các khu dân cư làm vệ sinh ngõ xóm vào sáng thứ bảy hoặc chủ nhật hằng tuần. Không nằm ngoài mục đích xây dựng nếp sống văn minh đô thị, quận Hoàn Kiếm ban hành riêng Quyết định chuyên đề số 02 về "Quy chế hoạt động tự quản của khu dân cư trong việc giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường". Theo đó, trường hợp nào vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt. Sau hơn 3 năm triển khai, 100% khu dân cư trên địa bàn quận đã thành lập được tổ công tác với gần hơn 1.000 thành viên chuyên trách giữ gìn trật tự đô thị tại các phường, góp phần phát hiện và xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm. Tương tự, quận Hà Đông cũng đưa việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị vào các phong trào thi đua. Nhờ đó, nhiều điểm phức tạp về văn minh đô thị như khu vực ngã ba Ba La, cầu Mai Lĩnh, chợ Xốm… cơ bản đã được giải quyết. Năm 2013, Hà Nội có 64% tổ dân phố đạt chuẩn danh hiệu tổ dân phố văn hóa.

Mừng hơn, nét đẹp trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Hà Nội không phải đã mất đi như suy nghĩ tiêu cực của một số người mà thực tế vẫn tồn tại, vẫn hiện hữu trong trái tim mỗi người. Bằng chứng là trong những ngày tổ chức quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tháng 10-2013), hàng trăm thanh niên Thủ đô phục vụ nước, đồ ăn miễn phí, quạt mát cho hàng người chờ viếng Đại tướng. Hình ảnh hàng triệu người xếp hàng hai bên đường trong tư thế trang nghiêm, thành kính tiễn đưa Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình cũng để lại những ấn tượng đẹp, sự xúc động mạnh mẽ trong lòng bạn bè trong nước, quốc tế.

Như vậy, việc triển khai lồng ghép một số nội dung của Chương trình 04 với Chỉ thị 01/CT-UBND về "Năm trật tự và văn minh đô thị" sẽ góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị thuận lợi, hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Tìm lại những giá trị tốt đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.