(HNM) - Ngày 13-1, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Tại đây, nhiều vấn đề gây tranh cãi thời gian qua đã được các đại biểu đưa ra bàn luận như: Nên tính thế nào giữa giá dịch vụ y tế dành cho bệnh nhân BHYT và bệnh nhân không có thẻ BHYT, người bệnh nằm ghép có được giảm phí, các hạng BV tính giá dịch vụ thế nào… để bảo đảm công bằng.
Từ ngày 1-1, giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được thống nhất trên toàn quốc. Ảnh: Bá Hoạt |
Gây khó cho cả người bệnh và cơ sở y tế
Để thực hiện Luật BHYT, liên ngành Y tế - Tài chính - Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã ban hành dự thảo thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, hiện nay, giá dịch vụ y tế của từng tỉnh, thành phố khác nhau nên giá thanh toán của BHYT đối với các BV cùng hạng, cùng trình độ, cơ sở vật chất, cùng kỹ thuật cũng khác nhau. Như giá dịch vụ của BV hạng 1 ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khác BV hạng 1 tại Hải Phòng, Đà Nẵng hay Cần Thơ. Điều này là do theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh trước đây, việc ban hành giá là do HĐND các tỉnh, thành phố quyết định, dẫn đến khác nhau và có nhiều bất cập. Từ ngày 1-1-2015, Luật BHYT được sửa đổi có quy định Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT.
Tuy nhiên, nhiều nội dung trong thông tư được cho là gây khó cho bệnh nhân và cả cơ sở y tế. Cụ thể, về mức giá dịch vụ KCB, thông tư chỉ áp dụng cho người bệnh có thẻ BHYT. Người bệnh không có thẻ BHYT, về nguyên tắc vẫn tiếp tục áp dụng mức giá thanh toán theo các quyết định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, nếu theo hình thức này thì sẽ dẫn đến tình trạng một cơ sở y tế có thể có ba loại giá dịch vụ gồm: Giá thanh toán BHYT, giá áp dụng cho người bệnh không có thẻ BHYT và giá KCB theo yêu cầu. Như vậy, có nơi giá KCB cho người có thẻ BHYT cao hơn giá KCB cho người không có thẻ BHYT dẫn đến không khuyến khích người dân tham gia BHYT và tiến tới lộ trình BHYT toàn dân. Ngược lại, có nơi, giá KCB BHYT thấp hơn giá cho người không có thẻ. Nhưng theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, liên bộ chỉ ban hành được giá thống nhất trong thanh toán BHYT, tức là cho đối tượng người bệnh có thẻ BHYT. Còn đối với trường hợp không có thẻ BHYT, liên bộ không có quyền ban hành mức giá, mà do UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành.
Về vấn đề này, lãnh đạo BV Đa khoa Quảng Trị cho rằng, cùng được KCB như nhau nhưng ở BV lại tồn tại nhiều mức giá khác nhau, gây ra tình trạng phân biệt đối xử, không công bằng với bệnh nhân. Hơn thế, khi có nhiều mức giá, bệnh nhân có thẻ BHYT vượt tuyến sẽ được tính thế nào, nếu tính theo dịch vụ là vi phạm luật, còn nếu tính theo BHYT sẽ thanh, quyết toán ra sao? Đồng tình với ý kiến trên, Phó Giám đốc BV K Lê Văn Quân cho rằng, chúng ta đang xây dựng mức giá chung rất khó áp dụng. Bởi trong thực tế, các BV tuyến cuối có giường bệnh và chất lượng không kém BV hạng đặc biệt nhưng mức giá dịch vụ lại khác nhau. Nên chăng, dự thảo thông tư chỉ nên quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT chứ không nên đưa vào các BV cùng hạng.
Đại diện Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho rằng, nhiều BV chuyên khoa đầu ngành thuộc tuyến cuối, thực hiện những kỹ thuật cao tương đương khu vực và thế giới lại quy định giá không bằng BV hạng đặc biệt. Trong khi cả nước chỉ có 3 BV hạng đặc biệt, là những BV có từ 1.000 giường trở lên (gồm BV Bạch Mai, Trung ương Huế, Chợ Rẫy).
Người dân chờ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thái Hiền |
Giá dịch vụ thế nào mới chuẩn?
Đại diện một BV khu vực phía Nam lấy ví dụ, cùng thực hiện một phương pháp phẫu thuật sản khoa, nhưng giữa các hạng BV lại có giá khác nhau. Trong khi đó, BV nào thực hiện kỹ thuật cũng cần bảo đảm an toàn cho bệnh nhân và sử dụng chi phí vật tư tiêu hao tương đương nhau. Đó là còn chưa kể tới những "mâu thuẫn" không đáng có giữa thực tế và các quy định trong dự thảo thông tư.
Giám đốc BV Hữu nghị Việt- Đức Nguyễn Tiến Quyết khẳng định, nhiều giá dịch vụ quy định chỉ bảo đảm được 30% so với giá thực, BV không thể thực hiện được. Nếu thực hiện theo quy định về mức giá này, ước tính mỗi năm BV sẽ thiệt hại 50 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, nếu thực hiện quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc thì một số BV tuyến trung ương hoặc một số BV tuyến tỉnh trước đây được phê duyệt giá dịch vụ y tế ở mức cao quá sẽ bị hạ xuống và có những cơ sở y tế trước đây phê duyệt giá thấp sẽ được lên. Trong dự thảo thông tư liên tịch của liên bộ Y tế và Tài chính về thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng quy định 5 mức từ BV hạng 4 đến hạng đặc biệt. BV nào chưa được xếp hạng sẽ bị áp mức giá thấp nhất. Đặc biệt, giá dịch vụ y tế của các BV cùng hạng sẽ như nhau, không phân biệt BV đó trực thuộc Bộ Y tế hay địa phương, tỉnh, đồng bằng hay miền núi.
Trước những băn khoăn, thắc mắc trên của các cơ sở y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp thu và nghiên cứu, cùng bàn thảo với các bên liên quan để hoàn chỉnh thông tư liên tịch. Dự kiến, thông tư liên tịch của liên bộ Y tế và Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc sẽ hoàn thành và được thực hiện từ quý II năm nay.
Theo dự thảo thông tư này, giá sinh thường tại 5 hạng BV đều là 500.000 đồng, giá mổ lấy thai lần 1 đều là 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, giá khám lâm sàng chung của BV hạng 4 chỉ là 7.000 đồng, BV hạng 3 là 10.000, hạng 2 là 14.000; hạng 1 và hạng đặc biệt đồng giá là 20.000 đồng. Giá ngày giường điều trị hồi sức tích cực tại BV hạng đặc biệt sẽ giảm từ mức 335.000 đồng hiện nay xuống còn 290.000 đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.