(HNM) - Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp hè, điểm chung dễ nhận thấy nhất tại các bể bơi là tình trạng đông nghịt khách tới bơi lội. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải bể bơi nào cũng thực hiện đúng các nội dung đã được quy định, nhất là với những bể bơi do tư nhân đầu tư, quản lý.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có gần 200 bể bơi, so với nhu cầu của người dân thì con số này chỉ đáp ứng được một phần. Do bị quá tải dẫn đến tình trạng người dân phải bỏ tiền ra mua suất được xuống bể chen chúc để ngâm mình, thay vì để... bơi. Mặc dù các bể bơi đều có biển cảnh báo về độ sâu nhưng nhiều cháu nhỏ hiếu động dù chưa biết bơi vẫn lao vào những khu vực dễ gặp nguy hiểm. Bên cạnh đó, do ý thức của một số người đến bể bơi kém, phớt lờ lời nhắc nhở của nhân viên cứu hộ, cố tình bơi ngang bể, nhảy từ trên cao xuống hay khạc nhổ, xả rác bừa bãi, gây nguy hiểm cho những người xung quanh và mất vệ sinh môi trường... Ngoài ra, không ít bể bơi sử dụng quá nhiều hóa chất và sục khí Clo để làm sạch nước, thay vì phải thay nước và sử dụng lượng hóa chất theo đúng quy định.
Hiện nay, việc quản lý các bể bơi được áp dụng theo Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành ngày 19-1-2018. Theo đó, nước bể bơi phải đáp ứng được mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt áp dụng đối với các hình thức khai thác nước của cá nhân, hộ gia đình phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt... Các bể bơi phải bảo đảm các quy định về thời gian hoạt động, vệ sinh, môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ...
Quy định chặt chẽ là vậy, tuy nhiên thực tế việc quản lý hoạt động cũng như chất lượng của hệ thống bể bơi hiện đang bị "thả nổi", thường dễ “bỏ qua” một số quy định, kể cả là những quy định liên quan trực tiếp đến sự an toàn về sức khỏe, tính mạng của người tham gia bơi lội. Hiện còn không ít bể bơi do chạy theo doanh thu, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế và chưa dám đầu tư trang bị hệ thống lọc tuần hoàn, khiến nguồn nước thường không bảo đảm an toàn. Một số bể bơi chưa thực hiện quy định thay nước, cọ rửa bể và khử trùng bể cũng không được các chủ bể bơi thể hiện trên sổ sách hay nhật ký hoạt động...
Có thể thấy, bơi lội là môn thể thao hấp dẫn trong mùa hè, là nhu cầu chính đáng của đông đảo người dân thành phố. Tuy nhiên, đây lại là loại hình dịch vụ hoạt động có tính chất thời vụ (tập trung vào mấy tháng hè), việc tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn, quy chuẩn... chưa được chấp hành nghiêm. Để bảo đảm chất lượng bể bơi, phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trẻ em trong ngày hè, cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra toàn diện các bể bơi ở Hà Nội. Nếu phát hiện sai phạm phải nhắc nhở, có biện pháp buộc chủ bể bơi khắc phục ngay, thậm chí yêu cầu ngừng hoạt động nếu không bảo đảm an toàn.
Trong khi nguồn ngân sách còn hạn chế, việc xã hội hóa trong phát triển hệ thống bể bơi cho người dân là chủ trương đúng đắn, phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn về sức khỏe, tránh những vụ đuối nước có thể xảy ra ngay tại bể bơi phải luôn là đòi hỏi đặc biệt quan trọng. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cần quan tâm, đầu tư xây dựng, nâng cấp các bể bơi chưa đạt chuẩn…
Đối với các đơn vị kinh doanh, cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý; thực hiện tốt các quy định về công tác cứu hộ, cứu đuối; bảo đảm về y tế, chất lượng nguồn nước. Đồng thời, bản thân các bậc phụ huynh khi đưa con đi bơi, cũng nên chủ động chấp hành quy định về an toàn bơi cũng như lựa chọn những bể bơi bảo đảm chất lượng theo quy định.
An toàn là số một!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.