(HNM) - Ở TP Hồ Chí Minh, không chỉ dự án (DA) Metro đội vốn hơn 172% (Báo Hànộimới đã phản ánh) mà còn hàng loạt DA hạ tầng giao thông khác cũng ở tình trạng tương tự. Đáng báo động, dù đội vốn nhưng hiệu quả tại nhiều DA vẫn không cao.
Đã thành vấn nạn
Bức xúc trước tình trạng ngập lụt khắp nơi, mới đây ngành chức năng thành phố đã phải ngồi lại họp bàn tìm phương án xử lý. Tại đây báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh đã làm sững sờ không ít người: Sau 6 năm DA 1547 (quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng mức đầu tư (TMĐT) hơn 11.500 tỷ đồng, đến nay đã đội vốn lên tới hơn 67.600 tỷ đồng. Đội vốn gấp gần 6 lần so với TMĐT ban đầu như vậy nhưng hiệu quả chống ngập ra sao? Theo Sở GTVT, 26 điểm ngập nặng do ảnh hưởng của triều cường ở thành phố, mới giảm mức độ ngập chứ chưa được giải quyết triệt để. Đáng nói, không những không giảm được ngập mà còn phát sinh 8 điểm ngập mới tại quận 1, 2, 8, Bình Thạnh...
Đội vốn "khủng" nhưng các dự án chống ngập tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có hiệu quả cao. |
Không chỉ DA 1547, TP Hồ Chí Minh cũng vừa công bố danh sách hàng loạt DA chống ngập đang đội vốn. Điển hình, nếu như năm 2002, DA kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên được phê duyệt với số vốn đầu tư gần 158 tỷ đồng cho giai đoạn 1 thì đến nay đã tăng lên tới hơn 1.950 tỷ đồng. Đáng buồn nữa là, tiến độ thực hiện DA rất chậm, ảnh hưởng đến tiêu thoát nước, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dư luận.
Tương tự, DA cải tạo hệ thống thoát nước khu vực quốc lộ 13 - Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) từ số vốn ban đầu là 40 tỷ đồng, đến nay cũng đội lên tới hơn 219 tỷ đồng. DA xây dựng đường Liên tỉnh lộ 25B (giai đoạn 2) và cầu Sài Gòn 2 do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) làm chủ đầu tư, cũng đội vốn lên hơn 22 tỷ đồng…
Không chỉ những DA lớn, những DA nhỏ như DA xây dựng công trình sửa chữa, nâng cấp, mở rộng đường số 1 (quận Thủ Đức) được UBND TP Hồ Chí Minh giao vốn kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2014, là hơn 19 tỷ đồng. Thế nhưng, vào cuối tháng 9 vừa qua, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 đã trình lên UBND thành phố thẩm định, phê duyệt nâng vốn đầu tư DA này lên gần 34 tỷ đồng (vượt gần 80% tổng vốn ban đầu).
Quy trách nhiệm, xử lý nghiêm…
Trước vấn nạn đội vốn, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, các DA đầu tư khi phê duyệt không chặt chẽ, chủ đầu tư năng lực kém dẫn đến đội vốn lên cao. Bên cạnh đó có hiện tượng phổ biến trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông là nhiều chủ đầu tư lại đi năn nỉ đơn vị thi công, trúng thầu… thực hiện DA với giá thấp, sau đó tìm cách điều chỉnh bằng cách nâng TMĐT cũng dẫn tới tình trạng đội vốn. TS Trần Du Lịch khẳng định phải quan tâm giám sát chặt chẽ là việc đội vốn trong lĩnh vực đầu tư công.
TS Phạm Sanh (nguyên giảng viên ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo luật xây dựng và các văn bản pháp luật liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình thì các DA khi phê duyệt đều xác định rõ TMĐT, bao gồm phần dự phòng cho khối lượng phát sinh và trượt giá. Thế nên hiện tượng hàng loạt DA công đội vốn "khủng" như trên là rất bất thường. "Phần lớn các nước trên thế giới, chỉ cần một DA đầu tư công vượt lên 50% so với TMĐT ban đầu đã có chuyện lớn rồi, còn ở nước ta lại… bình thường, thậm chí khá nhiều DA mức vốn đã đội lên con số vài trăm phần trăm. Tôi cho rằng do cách quản lý DA quá lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, thậm chí có dấu hiệu lãng phí, tiêu cực tham nhũng. Tình trạng đội vốn hàng loạt như vậy đã góp phần tăng nợ công của Việt Nam", TS Phạm Sanh nhận định.
Để ngăn chặn vấn nạn "của công không ai xót" này, theo TS Trần Du Lịch, trước hết cần thực hiện nghiêm luật đầu tư công, trong đó có nêu quy định rõ chuẩn mực DA nào cần điều chỉnh giá, DA nào không. Nếu DA nào sai phạm dẫn đến đội vốn lên cao thì cần quy trách nhiệm và xử lý nghiêm chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.
Cùng quan điểm, TS Phạm Sanh cho rằng: Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải xử lý nghiêm từng vụ cụ thể, kiên quyết đình hoãn lại tất cả các DA có sai phạm và đội vốn trên 20%; đồng thời, xử lý trách nhiệm cá nhân, thậm chí người đứng đầu để làm gương. Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định chế tài, quy trách nhiệm bồi thường vật chất rõ ràng các vi phạm của cá nhân hoặc đơn vị có liên quan như chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu… kể cả cơ quan chức năng có thẩm quyền không làm tròn trách nhiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.