Kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khởi công, khánh thành, khảo sát các dự án hạ tầng tại Thừa Thiên - Huế

Theo TTXVN 06/04/2024 - 21:15

Trong chương trình công tác tại Thừa Thiên - Huế, chiều 6-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Cảng Vsico Huế; dự Lễ khánh thành Nhà máy điện rác Phú Sơn; khảo sát dự án thi công đường Nguyễn Hoàng và cầu mới vượt sông Hương; thăm, động viên cán bộ, y bác sĩ, bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thừa Thiên - Huế; đại diện các tập đoàn, hãng vận tải trong nước và quốc tế.

cdnmedia.baotintuc.vn-upload-3qvxwvtnepp6wp9kkf77g-files-2024-04-06-_thu-tuong-060424-8.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu khởi công dự án Bến số 4 và Bến số 5 cảng Chân Mây. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Mở rộng cửa ra Biển Đông

Dự Lễ khởi công Cảng Vsico Huế (bến số 4, 5), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà động viên chủ đầu tư, các đơn vị thi công và thực hiện nghi thức khởi công dự án.

Theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng biển Thừa Thiên - Huế là cảng biển loại I, trong đó, có khu bến Chân Mây.

Theo quy hoạch chi tiết đang được trình phê duyệt, khu bến Chân Mây phát triển đến 2030 gồm từ 8 đến 10 cầu cảng với tổng chiều dài từ 2.431 m đến 3.231 m, năng lực thông quan từ 16,1 triệu tấn đến 23 triệu tấn và từ 324.100 lượt khách đến 345.000 lượt khách. Hiện khu bến Chân Mây đang khai thác 3 bến, lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2023 đạt 4,5 triệu tấn và 68.700 lượt hành khách.

Cụm Cảng Chân Mây, trong đó có Cảng Vsico Huế được đánh giá là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với hành lang kinh tế Đông - Tây, là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Lào, Thái Lan, Myanmar, kết nối với các nước châu Á và thế giới. Bên cạnh đó, Cụm Cảng Chân Mây còn nằm ở vị trí trung tâm của Việt Nam, giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung là Huế - Đà Nẵng.

Dự án Đầu tư xây dựng bến tổng hợp – container số 4 và số 5 cảng Vsico Chân Mây do Công ty cổ phần Hàng hải Vsico đầu tư, với tổng vốn khoảng hơn 1.678 tỷ đồng. Tổng diện tích 20,4 ha, tổng chiều dài 2 bến số 4 và số 5 là 540m có khả năng tiếp nhận các tàu hàng lên đến 70.000 tấn và tàu container lên đến 4.000 TEUS.

Cảng Vsico Huế đặt mục tiêu kế hoạch đến quý II-2025 đưa vào hoạt động Bến số 4 và đầu năm 2026 đi vào hoạt động Bến số 5, sản lượng thông qua cảng dự kiến 5 triệu tấn hàng hoá xuất nhập khẩu mỗi năm. Với các tàu container, sản lượng thông qua cảng dự kiến 80.000 đến 100.000 TEUS mỗi năm.

cdnmedia.baotintuc.vn-upload-3qvxwvtnepp6wp9kkf77g-files-2024-04-06-_thu-tuong-060424-3.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu khánh thành Nhà máy điện rác Phú Sơn (thị xã Hương Thủy). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dự án 2 trong 1, vừa xử lý rác, vừa phát điện

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dự lễ khánh thành Nhà máy điện rác Phú Sơn, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn tọa lạc tại xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế; có diện tích 11.234 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 74,555 triệu USD; thời gian vận hành là 25 năm. Dự án được trang bị lò ghi cơ khí công suất 500 tấn/ngày và tổ máy phát điện tua bin hơi nước áp suất cao 12 MW.

Dự án chính thức bắt đầu khởi công xây dựng vào tháng 11-2021, nhận được Giấy phép môi trường ngày 10-8-2023; hoàn thành vận hành thử nghiệm vào tháng 12-2023, nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng và được cấp giấy phép hoạt động điện lực ngày 7-2-2024 và chính thức chuyển sang vận hành thương mại.

Năm 2023, dự án được Hội đồng An toàn Anh bình chọn đạt “Giải thưởng An toàn Quốc tế”; tháng 3-2024, Bãi chôn lấp tro bay của dự án được đưa vào sử dụng là bãi chôn lấp tro bay nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên. Hiện nay, nhà máy xử lý khoảng 220.000 tấn rác thải sinh hoạt và có thể cung cấp khoảng 93 triệu KWh điện xanh mỗi năm.

Dự án góp phần phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế xanh, sạch, đẹp; trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đô thị có bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và bền vững như Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn.

Xây cầu qua sông Hương thành điểm du lịch

Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát dự án thi công đường Nguyễn Hoàng và cầu mới vượt sông Hương, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương thuộc tuyến đường vành đai 3 - là trục giao thông chính, xuyên tâm vào thành phố, kết nối liên thông 2 đô thị vệ tinh là thị xã Hương Trà - Hương Thủy với thành phố Huế. Dự án với tổng mức đầu tư hơn 2.281 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Dự án khởi công cuối năm 2022 và dự kiến hoàn thành tháng 12-2025.

Trong đó, cây cầu mới vượt sông Hương nối giữa phường Kim Long và phường Phường Đúc của thành phố Huế. Đến nay, dự án đã hoàn thành các mố trụ, đang tiến hành lắp vòm cầu, dự kiến đến tháng 8-2024 lắp vòm cầu xong, đến tháng 12-2024 có thể thông xe kỹ thuật nối hai bên bờ Bắc Nam.

Tại công trường, đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, địa phương, các nhà thầu, trực tiếp là đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động trên công trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đơn vị tiếp tục nỗ lực thi công với tinh thần “3 ca, 4 kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “chỉ bàn làm không bàn lùi”, làm xuyên lễ, xuyên Tết; bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ mỹ thuật, bảo đảm cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, trở thành một điểm đến hấp dẫn, góp phần khai thác và phát triển kinh tế ban đêm của Thừa Thiên - Huế.

cdnmedia.baotintuc.vn-upload-3qvxwvtnepp6wp9kkf77g-files-2024-04-06-_thu-tuong-060424-7.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu khởi công xây dựng Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế 2. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Xây dựng Trung tâm khám, chữa bệnh quốc tế

Thăm cơ sở vật chất, động viên cán bộ, y bác sĩ và bệnh nhân ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta xác định, mỗi người dân khỏe thì dân tộc khỏe; phòng bệnh hơn chữa bệnh; đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết; luôn quan tâm đầu tư, dành kinh phí cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, làm sao để mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế.

Nhờ đó, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất cơ bản về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân so với điều kiện một nước đang phát triển, đặc biệt là trong phòng, chống đại dịch Covid-19.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao bề dày truyền thống tốt đẹp, những thành tựu mà Bệnh viện đạt được thời gian qua, đóng góp vào thành tựu chung của ngành Y tế, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt vừa qua, Bệnh viện đã thực hiện 8 ca ghép tạng trong 48 giờ (ngày 2 và 3-4) - một kỷ lục của đơn vị đến thời điểm này.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục đầu tư, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với Bệnh viện; mong đội ngũ cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện tiếp tục phát huy vai trò “thầy thuốc như mẹ hiền”, truyền thống tốt đẹp, các lĩnh vực thế mạnh như ghép tạng, với tinh thần tự lực, tự cường, tâm huyết, trách nhiệm cao nhất, đặt mình vào vị trí của bệnh nhân và gia đình người bệnh để hành động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, làm tốt hơn nữa về chuyên môn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của người dân.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế và Bệnh viện tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, nhân rộng những kinh nghiệm tốt của Bệnh viện về tự chủ, quản trị, mua sắm trang thiết bị y tế…; phát huy cơ sở vật chất và nguồn lực con người hiệu quả nhất; quan tâm hơn nữa vấn đề vệ sinh, môi trường, quản lý các dịch vụ đi kèm phục vụ bệnh nhân và người bệnh. Thủ tướng lưu ý, Bộ Y tế quan tâm công tác khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc.

Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Lễ khởi công Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế 2, thuộc Bệnh viện Trung ương Huế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khởi công, khánh thành, khảo sát các dự án hạ tầng tại Thừa Thiên - Huế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.