(HNM) - Từ lâu, xe quá tải đã trở thành nỗi ám ảnh đối với đơn vị quản lý đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Phá hàng rào, lấn chiếm hành lang
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ khi hoàn thành, đưa vào khai thác đến nay đã phát huy hiệu quả to lớn, giảm áp lực giao thông cho QL70 và QL2, đồng thời giảm tai nạn giao thông trong khu vực. Quan trọng hơn, thời gian di chuyển từ Hà Nội lên Lào Cai và ngược lại đã rút ngắn được một nửa so với cung đường cũ, qua đó tạo động lực phát triển KT-XH toàn vùng.
Xe quá tải trở thành nỗi ám ảnh đối với đơn vị quản lý đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Duy Hiếu |
Tuy nhiên, cũng từ khi đưa vào khai thác đã xuất hiện nhiều tình trạng người dân sống hai bên đường lấn chiếm hành lang, phá hàng rào để bán hàng trái phép hai bên đường và đi xe máy vào đường cao tốc. Nhiều đoạn người dân còn tự ý cắt hàng rào dây thép hoặc tháo dỡ lưới rào B40 và tôn hộ lan để đi bộ, đi xe máy trên đường cao tốc hoặc thả rông vật nuôi trên đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Vi phạm nhiều nhất phải kể tới các đoạn đi qua địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Theo thống kê của Trung tâm Điều hành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, có những thời điểm trên toàn tuyến có tới hơn 170 vị trí hàng rào bị người dân cắt phá và khoảng 40 điểm người dân tự ý mở hàng quán trong khu vực đường cao tốc.
Không chỉ mở hàng quán bán nước, sửa chữa xe... một số người dân còn dựng quán bán cơm lúc đông khách có tới cả chục ô tô con, xe tải dừng đỗ để ăn uống, nghỉ ngơi. Nguy hại hơn, sau khi phá hàng rào, hộ lan, người dân lại ngang nhiên phóng xe máy, xe đạp vào đường cao tốc. Có ngày, lực lượng chức năng đã ghi nhận những tốp học sinh tay cầm ô che nắng vô tư đạp xe trên đường cao tốc. Đây là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao bởi các phương tiện ô tô lưu thông trên đường cao tốc với tốc độ luôn trong khoảng 100km/h, nếu xảy ra tai nạn sẽ rất thảm khốc. Dù đơn vị quản lý khai thác và vận hành đã cắm nhiều biển hướng dẫn, cảnh báo giao thông cũng như phối hợp với các cấp chính quyền địa phương mở nhiều đợt tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân sống dọc hai bên tuyến nhưng số vụ vi phạm vẫn luôn ở mức cao.
Ám ảnh xe quá tải
Từ lâu, xe quá tải đã trở thành nỗi ám ảnh đối với đơn vị quản lý đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Theo các chuyên gia, khi có 10% xe tải chở quá tải trọng gấp 2 và 10% xe tải chở quá tải trọng gấp 3 thì sự phá hoại đường do chúng gây ra sẽ gấp hơn 23 lần khả năng chịu đựng của con đường theo thiết kế. Đáng lẽ con đường bảo đảm chất lượng phục vụ vận tải được 15 năm như thiết kế đề ra thì chỉ còn tồn tại được 7 - 8 tháng vì những xe chở quá tải này. Trong khi đó, lợi nhuận vận tải thu được là không đáng kể so với thiệt hại gây ra.
Trước tình hình đó, hàng loạt biện pháp mạnh đã được Trung tâm Điều hành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai phối hợp với lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông triển khai quyết liệt nhằm loại trừ xe quá tải phá hoại đường cao tốc như từ chối phục vụ; gửi hình ảnh qua camera giám sát cho lực lượng chức năng kiểm tra xử lý. Đến nay, xe quá tải lưu thông trên tuyến đường này đã giảm đáng kể nhưng chưa phải đã hết.
Cũng theo Trung tâm Điều hành đường cao tốc, trung bình mỗi ngày trung tâm phải từ chối phục vụ hơn 70 xe trên toàn tuyến, thậm chí có ngày từ chối tới gần 100 xe. Đơn cử như ngày 12-9, qua kiểm tra 414 xe thì phát hiện và xử lý 75 xe quá tải; ngày 20-9 kiểm tra 372 xe phát hiện xử lý 85 xe quá tải. Trong hai ngày 18 và 19-9, tại các trạm cân trên toàn tuyến đã cân 3.685 xe thì có gần 300 xe bị phát hiện chở quá tải, lực lượng chức năng đã xử lý và yêu cầu quay đầu không cho lưu thông trên đường cao tốc. Xe khách dừng đỗ đón trả khách bừa bãi trên đường cao tốc cũng đang phá vỡ quy hoạch và độ an toàn của tuyến đường. Xe khách dừng đỗ đón trả khách bừa bãi kéo theo đó là tình trạng xe ôm đưa đón khách dọc đường và tập kết tại các điểm mở trái phép.
Theo ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), công ty đã phải dùng mọi biện pháp để ngăn chặn tình trạng người dân tụ tập, đón xe khách trên đường cao tốc, gây mất ATGT, như hàn các lỗ thủng của hàng rào B40, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải ký cam kết không đón, trả khách, cắt cử nhân viên chốt trực tại các điểm nóng để ngăn chặn… nhưng vi phạm vẫn tiếp diễn.
Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo vệ có hiệu quả một trong những tuyến cao tốc hiện đại nhất quốc gia, không chỉ có sự nỗ lực của Tổng công ty Đầu tư - Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - đơn vị chủ đầu tư), các lực lượng thanh tra, CSGT mà còn cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương nơi dự án đi qua và cả cộng đồng. Tuy nhiên, dường như vẫn còn không ít địa phương buông lỏng và coi việc VEC bỏ tiền làm đường, thu phí phương tiện thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm bảo vệ công trình. Vì vậy, việc Bộ trưởng Bộ GT-VT có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai) tăng cường bảo đảm trật tự ATGT trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trong đó quy định trách nhiệm đối với chính quyền địa phương các cấp để tình trạng vi phạm diễn ra thường xuyên, kéo dài trên địa bàn quản lý là thiết thực và phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.