Theo dõi Báo Hànộimới trên

AI - "chìa khóa" thay đổi tương lai của báo chí

Ngô Phương Thảo| 20/06/2023 09:00

(HNM) - AI (Trí tuệ nhân tạo) đang là thuật ngữ “cửa miệng” của rất nhiều người. Nhưng nó thực sự là gì và tác động đến chúng ta (báo chí) như thế nào?

Tương lai của báo chí là sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và con người. Nguồn: ONECMS

AI là gì?

Cassie Kozyrkov, nhà nghiên cứu hàng đầu về AI đã “nhắc nhở” rằng khi nói về AI, phải xem lại chúng ta đang nói ở vị trí, vai trò nào. Từ những năm 1960 đến trước 2010, AI là lĩnh vực của các nhà nghiên cứu (làn sóng thứ nhất). Sau đó, nhờ sự phát triển của điện toán đám mây, cùng với sự cải tiến liên tục của phần cứng xử lý dữ liệu và dữ liệu lớn (Big data), các nhà ứng dụng đã tham gia khai thác kết quả nghiên cứu AI và ứng dụng vào các doanh nghiệp lớn (làn sóng thứ hai). Tại thời điểm này, chi phí để phát triển các ứng dụng AI là khổng lồ, chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có thể chi trả. Sau cùng, làn sóng thứ ba được hình thành khi các kỹ sư tham gia phát triển ứng dụng đa dạng trên khắp thế giới; các ứng dụng AI dành cho người cùng cuối (End user), ở khắp các quy mô và lĩnh vực, trở nên bùng nổ. Giờ đây, chúng ta có thể dùng Chat GPT mỗi ngày, và chỉ mất 5 phút để có một bức tranh thông tin tổng quan về bất cứ chủ đề nào trên thế giới.

Đây chính là sự phát triển đột phá của một nhánh nhỏ trong toàn bộ bức tranh AI, có tên AI Tổng hợp (General AI) đang được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Theo phân tích của Mc Kinsey trong bài viết “Khám phá các cơ hội trong chuỗi giá trị AI tổng hợp” - xuất bản ngày 26-4-2023, AI Tổng hợp có một đặc điểm nổi trội dễ phân biệt, đó là khả năng tạo ra nội dung mới, bao gồm văn bản, hình ảnh (ảnh chụp hoặc vẽ), video và hình ảnh đại diện. Bằng cách huấn luyện mạng lưới thần kinh (neural network) và thuật toán học sâu (deep learning) trên khối lượng dữ liệu khổng lồ và áp dụng “cơ chế chú ý”, một kỹ thuật giúp các mô hình AI hiểu cần tập trung vào điều gì. Với các cơ chế này, một hệ thống AI tổng hợp có thể xác định các mẫu từ, mối quan hệ và ngữ cảnh của câu lệnh từ người dùng.

Báo chí thế giới ứng dụng AI như thế nào?

Báo chí thế giới bắt đầu ứng dụng AI vào quy trình tác nghiệp từ những năm đầu thập niên trước. Những “ông lớn” dẫn đầu là AP, Reuters, Bloomberg, Tân Hoa xã, Washington Post. AP công bố rằng họ đã sử dụng Máy học (Machine Learning - ML) để thu thập, phân tích và phân phối tin tức, phiên âm video tự động, giúp nhà báo của họ có thời gian tập trung cho những công việc yêu cầu sâu sắc hơn. Bằng việc làm việc với các đối tác khởi nghiệp công nghệ, AP đã mở rộng khả năng ứng dụng AI cho quy trình sản xuất sản phẩm báo chí, tối ưu nguồn lực nhân sự.

Nhà báo có thể ứng dụng AI vào viết tin tức tự động bằng kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP). Các tòa soạn có thể dùng AI để phân tích khối lượng lớn dữ liệu và tạo các báo cáo tin tức trong thời gian thực. Điều này đặc biệt hữu ích cho nhóm báo cáo tài chính, thể thao, thời tiết. AI cũng có thể giúp các nhà báo phân tích lượng dữ liệu khổng lồ để lọc những xu hướng, các mẫu số lớn, đồng thời giúp cung cấp các câu chuyện và dữ liệu để phục vụ cho mục tiêu điều tra, kể chuyện. Dựa trên các thuật toán, AI có thể phân phối tin tức dựa trên sở thích, mối quan tâm và hành vi lướt web của từng người dùng, tạo ra các đề xuất phù hợp và nội dung liên quan. AI cung cấp tính năng phiên âm, dịch tự động đối với các bản ghi âm và video, giúp các nhà báo mở rộng nguồn thông tin từ nhiều ngôn ngữ khác nhau và thao tác nhanh hơn.

Bằng việc thu thập hành vi của độc giả, AI cho phép cơ quan báo chí thu thập tin tức, phân tích dữ liệu hành vi, sở thích và cách thức tiêu dùng của độc giả, giúp tòa soạn hình thành chiến lược về nội dung và đánh giá được hiệu ứng, tác động của sản phẩm báo chí đối với độc giả của mình. AI có thể tạo ra deepfake (những hình ảnh, âm thanh giả) nhưng cũng có thể phát hiện nó. Thuật toán deep learning (học sâu) có thể tạo ra tin giả nhưng cũng có thể giúp phát hiện tin giả. AI cũng có thể giám sát tin tức tự động, giúp tòa soạn theo dõi tin tức, đo lường cảm xúc của độc giả và cập nhật những diễn biến mới nhất.

Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều ứng dụng AI trong lĩnh vực báo chí, ví dụ như Chat GPT3 (giúp tạo khung sườn cho một bài báo, tóm tắt nội dung và trả lời câu hỏi của phóng viên), Google Cloud Natural Language API (cung cấp khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, bao gồm phân tích, nhận dạng và phân loại nội dung), Full Fact (ứng dụng có thể kiểm tra tính xác thực của bài báo hay phát ngôn từ các nhân vật nổi tiếng), IBM Watson Discovery (giúp tìm kiếm và phân tích dữ liệu quy mô lớn, bao gồm các bài báo, báo cáo, tài liệu nghiên cứu để khám phá thông tin liên quan đến chủ đề mà nhà báo quan tâm)...  

AI có khả năng tác động đến quy trình công việc của các tổ chức báo chí, vì vậy, các chuyên gia cho rằng AI là chìa khóa thay đổi vĩnh viễn tương lai của ngành báo chí. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chia sẻ rằng, lĩnh vực truyền thông, trong đó có báo chí, có vẻ đang đi chậm hơn so với các lĩnh vực khác, cụ thể là số lượng nhà báo am hiểu về AI ít hơn số lượng chuyên gia trong các lĩnh vực khác am hiểu về AI.

Làm sao để ứng dụng hiệu quả AI vào báo chí và ứng dụng thế nào? Xét ở góc độ đơn giản nhất, bản chất của AI là công cụ, bản chất của báo chí là giá trị. Đây chính là câu trả lời.

Việc tái định hình báo chí hay cụ thể hơn là tái định hình phương thức hoạt động của một cơ quan báo chí sẽ bắt đầu bằng việc tái định hình giá trị. Việc tìm kiếm một giá trị cốt lõi khác biệt của tòa soạn, cơ quan báo chí là hành động sống còn trong tiến trình tái định hình tòa soạn.

Bằng việc xác định giá trị cốt lõi và xác định tệp khách hàng chủ chốt, tòa soạn/cơ quan báo chí sẽ định hình nên mối quan hệ giữa tòa soạn với độc giả, lợi ích độc giả cần mà tòa soạn có khả năng đáp ứng một cách nổi trội. Khi đó, việc xác định ứng dụng AI thế nào vào quy trình sản xuất nội dung báo chí để tối ưu nguồn lực, tăng khả năng cạnh tranh về thời gian, độ chính xác, tăng sức hấp dẫn và tính cá nhân hóa thông tin cho độc giả, truyền đạt được bản sắc của tờ báo/ cơ quan báo chí thông qua sản phẩm báo chí được phát hành, chỉ là yếu tố kỹ thuật và thời gian.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu báo chí và AI quốc tế khuyên rằng, mỗi tòa soạn nên có một nhóm AI Think Tank (những người nghiên cứu, tư vấn chính sách và chiến lược trong việc ứng dụng AI vào tác nghiệp), và trung tâm tin tức của tòa soạn là nơi cần sử dụng AI nhiều nhất.

Khác với báo chí truyền thống, trong thời đại AI, các tổ chức báo chí có thể cân nhắc về việc thay đổi mô hình dịch vụ của mình: Trở thành trung tâm tin tức chọn lọc. Vì trọng tâm của báo chí là cung cấp các dữ liệu - phân tích chính xác và có tính định hướng cho nhu cầu thông tin của độc giả. Có thể phát triển mô hình trung tâm tin tức (ứng dụng AI): Cung cấp một loạt thông tin được tự động hóa một phần và thông qua kiểm duyệt cho công chúng có thể là một loại dịch vụ mà cơ quan báo chí tận dụng được thế mạnh của mình.

Nhà báo trong thời đại AI

AI có thể là công cụ cung cấp thông tin hữu ích, nhưng nhà báo mới là người đưa ra đề tài, là người quyết định đề tài nào cần được theo đuổi và cách thức triển khai đề tài đó. Sự thấu cảm giúp nhà báo chọn được cách tiếp cận phù hợp với tầm nhìn, giá trị, giữ gìn tính nhân văn; kinh nghiệm, trực giác giúp nhà báo phân định được thật - giả trong bối cảnh AI trở nên phổ biến. Các nhà báo cũng có tiếng nói quan trọng giúp thiết lập chính sách pháp lý về AI đảm bảo sự tiến bộ.

Trusting News - một tổ chức phi lợi nhuận giúp các tòa soạn xây dựng lòng tin với công chúng - gần đây đã đăng trên Medium một bài viết thoạt nhiên có vẻ không có gì khác thường, ngoại trừ ở cuối bài họ tiết lộ đã sử dụng công nghệ AI để viết bài với sự chỉnh sửa văn bản cuối cùng của biên tập viên. Đây chính là ví dụ về tính minh bạch của một tổ chức báo chí hay một nhà báo cần có trong quá trình hoạt động/ tác nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
AI - "chìa khóa" thay đổi tương lai của báo chí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.