Chiều 1-7, ngày đầu tiên mô hình chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động trên cả nước, Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã đi thăm, kiểm tra tại Hà Nội.
Tham gia đoàn công tác có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội tham gia đoàn có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của thành phố…
Mở đầu chuyến công tác, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn đã đến thăm, kiểm tra tại xã Phúc Thịnh. Đây là một trong 5 xã được hình thành gồm toàn bộ diện tích các xã: Nguyên Khê, Bắc Hồng, Nam Hồng, Tiên Dương, Vân Nội và một phần của thị trấn Đông Anh, thuộc huyện Đông Anh (cũ). Xã có diện tích tự nhiên 42,68km², quy mô dân số khoảng 90.926 người, 22.609 hộ gia đình. Đảng bộ xã Phúc Thịnh có 101 chi bộ với trên 3.800 đảng viên.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh vị trí quan trọng của xã Phúc Thịnh khi là cửa ngõ Thủ đô kết nối với sân bay Nội Bài, đặc biệt nằm trọn trong trục Nhật Tân - Nội Bài, được xác định là "trục động lực của Thủ đô". Xã Phúc Thịnh có diện tích lớn và quy mô dân số đông, Đảng bộ xã trong sạch, vững mạnh.
Tổng Bí thư cũng biểu dương những kết quả ấn tượng mà xã Phúc Thịnh đã đạt được, đặc biệt là việc hoàn thành các quy hoạch và có tới 12 dự án lớn nằm trong trục Nhật Tân - Nội Bài. Cùng với hàng nghìn doanh nghiệp và hơn 2 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh, Phúc Thịnh dự kiến sẽ đạt mục tiêu tổng thu ngân sách "tương đương quy mô một tỉnh nhỏ trước đây".
Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ ấn tượng trước việc xã Phúc Thịnh, trong những ngày đầu tiên của bộ máy mới, đã ban hành đầy đủ các quy chế làm việc và xác định được 9 nhiệm vụ công tác đúng trọng tâm.
Tổng Bí thư đặc biệt đánh giá cao sự sắp xếp tại Điểm phục vụ hành chính công xã Phúc Thịnh, nơi người dân rất phấn khởi với sự đổi mới trong cách làm, tư duy và tác phong phục vụ nhân dân.
Bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến bộ máy hệ thống chính trị xã được bố trí hợp lý và hoạt động thông suốt, đồng chí Tô Lâm nhấn mạnh, trách nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ xã là rất lớn, và "xã nào cũng làm tốt thì 126 xã, phường mới của cả thành phố đều tốt".
Tổng Bí thư cũng lưu ý, công tác cải cách hành chính vẫn phải tiếp tục được đẩy mạnh để "quản lý, quản trị đều phải tốt".
Chỉ đạo những nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền xã Phúc Thịnh phải tập trung xây dựng bộ máy và con người bảo đảm phục vụ tốt nhất yêu cầu phát triển, giải quyết nhu cầu của người dân, nhất là các nhu cầu thiết yếu như: Y tế, giáo dục, trên tinh thần bám sát cơ sở, nắm chắc dân cư, quan tâm sát sao tới từng con người, từng số phận, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tổng Bí thư khẳng định, bộ máy chính quyền cấp xã phải phát huy hiệu quả mô hình mới, các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền để chính quyền thực sự gần dân, sát với dân, phục vụ và giải quyết nhanh nhất, tốt nhất các vấn đề từ thực tiễn đời sống nhân dân đặt ra.
Về định hướng cho 5 năm tới trong Báo cáo chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý đây là việc đầu tiên cần tổ chức thật tốt, lấy ý kiến nhân dân và tận dụng lợi thế vị trí để phát triển.
Xã Phúc Thịnh cần xác định mục tiêu phát triển thành đô thị. Nối tiếp định hướng lên quận của huyện Đông Anh trước đây, xã cần bám sát các tiêu chí, tiêu chuẩn để đầu tư và thực hiện.
Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương tại cơ sở, làm sao để các nghị quyết của Trung ương được tổ chức thực hiện tốt ngay từ chi bộ và từ mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng chí nhấn mạnh cần cụ thể hóa các nghị quyết tại xã như thế nào để gia tăng nguồn thu, nâng cao đời sống nhân dân và quan tâm đến các vấn đề sát sườn như y tế, giáo dục, văn hóa…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.