(HNMO) - Chiều 30-5, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý nợ công. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều đại biểu đã phân tích về những tồn tại trong quản lý nợ công hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến trong phiên thảo luận tại tổ chiều 30-5. |
"Tồn tại lớn nhất trong quản lý nhà nước về nợ công là 3 cơ quan cùng tham gia: Một người đi đàm phán vay, một người về phân bổ số vay nợ và một người đi trả nợ" - Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu và đánh giá đây là một bất hợp lý mà không quốc gia nào giống chúng ta.
Chủ tịch QH cũng nhìn nhận, Nghị quyết cùng với những chỉ đạo quyết liệt của QH thời gian qua đã giúp cơ cấu lại nợ công. QH không chấp nhận việc đi vay hàng năm và chạy tiền trả nợ hàng năm hoặc tình trạng tiền đi vay về chưa phân bổ xong đã đến hạn trả nợ.
"An toàn nợ công chiếm 50% hay 65% GDP là do QH quy định theo từng thời kỳ. Bản chất an toàn nợ công là đi vay tiền, tới hạn, cân đối trả nợ được; còn nếu không có tiền trả nợ phải vay tiếp để trả nợ cũ là không an toàn. Hiện nay về mặt chỉ tiêu an toàn nợ công chúng ta vẫn bảo đảm. Một số người cứ nghi ngờ nhưng giám sát của QH cho thấy bảo đảm và cơ cấu nợ công tốt hơn" - Chủ tịch QH khẳng định.
Tại tổ Hà Nội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu quan điểm, căn cứ vào luật hiện hành, hiện có 3 cơ quan cấp bộ cùng chức năng quản lý là Bộ Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư thì liên quan đến đàm phán, ký kết thì có thêm Ngân hàng Nhà nước.
Đại biểu Mai nêu, 9 năm về trước đã có nhiều đại biểu nêu, việc quy định như thế sẽ không bảo đảm việc quản lý nợ công, dẫn đến bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Tại thời điểm đó, Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu giải trình trước QH và kết luận tạm thời trước mắt sẽ thực hiện như vậy và tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi. Đến nay, qua 9 năm tổ chức thực hiện, tại lần sửa đổi này cũng chưa được thể hiện trong dự thảo luật.
Cũng theo đại biểu Mai, nếu quy định như trong dự thảo luật thì sẽ không cụ thể hóa được Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị về tổ chức bộ máy nhà nước, trong đó nêu rất rõ là phải bảo đảm tập trung thống nhất một đầu mối về nợ công, sớm khắc phục tình trạng quản lý đầu tư công, nợ công chồng chéo, chưa bàn giao trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ sử dụng vốn.
Thảo luận tại tổ Hà Nội chiều 30-5. |
Cũng tại tổ Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường cùng chung quan điểm khi nêu kiến nghị cần tập trung thống nhất một đầu mối quản lý nợ công, không nên phân tán.
Đại biểu Cường phân tích, thực tế thời gian qua, 3 bộ phụ trách có ưu điểm, có tính chuyên sâu nên tạo ra khả năng tiếp cận nguồn vốn và huy động được nguồn vốn tốt nhất. "Nếu chúng ta ở giai đoạn cần đẩy nhanh hiệu ứng vay thì tôi nghĩ phân chia nhiệm vụ cho 3 ngành như thế là phù hợp. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, chúng ta đang cần quản lý chặt, vay phải gắn với trả nợ thì phải tập trung vào một đầu mối và đầu mối này chịu trách nhiệm trước hết là trả nợ" - đại biểu Cường cho biết.
"Trong dự thảo luật này quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan, trong đó có Điều 51 liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nợ công, nhưng đọc ở đó chúng ta không thấy trách nhiệm mà phần nhiều là nhiệm vụ. Chính vì quy định trách nhiệm trong dự thảo luật không đúng như vậy dẫn đến hiện nay có nhiều cơ quan đều muốn nhận tham gia quản lý nợ công. Chúng ta nên quy định rõ trách nhiệm và khả năng trả nợ. Khi đã có khả năng trả nợ thì mới tính đến chuyện đi vay" - đại biểu Cường kiến nghị.
Thảo luận về trách nhiệm trong quản lý vay nợ, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) đồng ý với quan ngại của Ủy ban Tài chính Ngân sách là có nhiều cơ quan chịu trách nhiệm trong khi không rõ ai là cơ quan chính, cụ thể hóa các trách nhiệm này ra sao.
Các điều ở Chương 3 của dự thảo Luật đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, song chưa phân rõ chế độ, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Để bảo đảm quyền hạn gắn liền với trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, đại biểu đề nghị bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quyết định và các đối tượng có liên quan trong toàn bộ quá trình huy động, thẩm định, phân bổ, quản lý, sử dụng nợ công, đặc biệt trong trường hợp sử dụng vốn vay không có hiệu quả, gây thất thoát lãng phí.
Năm 2016-2017 không còn là "đỉnh nợ"
|
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.