Chiều 16-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11-11-2022 về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023. Theo đó, tổng số thu NSNN là 1.620.744 tỷ đồng; tổng số chi NSNN là 2.076.244 tỷ đồng. Bội chi NSNN là 455.500 tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP. Tổng số nợ công là 3.722.699,95 tỷ đồng, bằng 36,07% GDP.
Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chính sách tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân.
Thu NSNN vượt dự toán góp phần bù đắp số giảm thu do thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đồng thời bổ sung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, bổ sung vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách về quốc phòng, an ninh...
Chính phủ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, đồng thời, quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay, trả nợ, bảo lãnh Chính phủ và vay về cho vay lại. Dư nợ công, dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo quy định, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, mặc dù thu NSNN về tổng thể vượt so dự toán nhưng một số khoản thu, sắc thuế và thu NSNN trên địa bàn một số địa phương đạt thấp so với dự toán. Trong khi đó, công tác triển khai dự toán chi NSNN có nơi, có lúc còn hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ NSNN; phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công ở một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn còn chậm, kéo dài.
Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2023 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) và tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán được tổ chức trong năm 2024, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN 16.073 tỷ đồng; xử lý khác 15.464 tỷ đồng.
Theo ông Ngô Văn Tuấn, công tác quản lý thu của cơ quan thuế còn hạn chế. Cụ thể, quản lý thu đối với hộ kinh doanh chưa đầy đủ, chính xác, chưa phối hợp với cơ quan có liên quan để thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh đối với các hộ nghỉ kinh doanh quá 6 tháng theo quy định. Đồng thời, chưa thực hiện thanh, kiểm tra sau hoàn thuế theo nguyên tắc rủi ro và trong thời hạn 5 năm theo quy định. Trong khi đó, việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất vẫn còn tình trạng đơn vị sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất, chưa thu hồi được đất cho thuê đối với trường hợp đã có quyết định thu hồi đất nhiều năm.
Ngoài ra, tại cơ quan hải quan, còn trường hợp kê khai giảm thuế GTGT (2%) đối với một số mặt hàng không đúng quy định và các trường hợp áp mã hàng hóa chưa thống nhất. Trong khi đó, chưa có quy định về việc cơ quan hải quan khi hoàn thuế cho người nộp thuế phải bù trừ với nợ thuế của cơ quan thuế, dẫn đến có nhiều trường hợp cơ quan hải quan hoàn thuế cho người nộp thuế song họ vẫn có số nợ thuế phải nộp do ngành thuế quản lý.
Trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, trong năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, NSNN.
Bên cạnh các kết quả đạt được, qua kết quả kiểm toán quyết toán của KTNN cho thấy, tại một số bộ, ngành, địa phương tiếp tục vẫn còn những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm trong lập, chấp hành dự toán; quyết toán NSNN năm 2023 chưa được xử lý dứt điểm.
Trong đó, vẫn còn 1 cơ quan trung ương và 5 địa phương chưa điều chỉnh số liệu quyết toán theo kiến nghị của KTNN. Cùng với đó là tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán NSNN sau thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN chưa được khắc phục.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính, NSNN theo đúng quy định pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Về cơ chế xử lý chung đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị KTNN không còn khả năng thực hiện, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát các kiến nghị KTNN không còn khả năng thực hiện, chia thành 4 nhóm nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp cụ thể.
Tuy nhiên, giải pháp đề xuất của Chính phủ đối với 2 nhóm nguyên nhân chưa được luật định, nên chưa đủ căn cứ, cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện. Vì thế, Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, báo cáo đầy đủ thông tin, số liệu kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện do cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi và các trường hợp bất khả kháng khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.