Theo dõi Báo Hànộimới trên

25 tỉnh, thành phố báo cáo tiến độ lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Ánh Dương| 25/02/2023 18:28

(HNMO) - Chiều 25-2, tại tỉnh Bắc Ninh, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì. Tham dự và đóng góp ý kiến tại hội nghị có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; các bộ, ban, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân điều hành phần thảo luận.

Nhiều ý kiến liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết, địa phương đã tiếp nhận, tổng hợp được gần 5.000 lượt ý kiến qua cổng thông tin điện tử, thành phố cũng lấy ý kiến các tổ chức chính trị, doanh nghiệp…, đến nay, đã tập hợp gần 100 ý kiến. Đồng thời, lãnh đạo thành phố Hải Phòng cũng cho rằng việc xử lý vi phạm đất đai, đất lấn chiếm là phải giải tỏa, thu hồi, chứ không thể cho hợp thức, được chuyển quyền sử dụng.

Ngoài ra, đối với những dự án chậm tiến độ, đã được Nhà nước gia hạn 12 tháng, 24 tháng, cần xem xét, bổ sung chế tài cụ thể là trong thời hạn bao nhiêu tháng phải thực hiện xong, nếu không hoàn thành nhiệm vụ, cần phải thu hồi đất, để hạn chế tình trạng dự án treo nhiều năm.

Quang cảnh hội nghị. 

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh đề nghị cân nhắc việc Điều 78 dự thảo Luật liệt kê cụ thể các trường hợp dự án Nhà nước được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bởi có thể sẽ phát sinh những trường hợp chưa được quy định khi luật đi vào cuộc sống.

Do đó, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị xem xét sửa đổi bổ sung nội dung này theo hướng Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất đối với các dự án đầu tư công và các dự án không có yếu tố kinh doanh, để Luật Đất đai có thể bao trùm được hết các trường hợp dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Việc thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, lực lượng và quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm, thời gian qua nảy sinh nhiều phức tạp, khiếu kiện, tiêu cực. Do vậy, để thống nhất về nhận thức và tránh phát sinh những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện, cần làm rõ hơn về mục đích, tiêu chí về trường hợp thật cần thiết phải tiến hành thu hồi, việc thu hồi phải đem lại lợi ích trước mắt, cũng như lâu dài cho quốc gia, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn Đỗ Thị Minh Hoa nêu ý kiến về chuyển mục đích sử dung đất rừng phòng hộ, đất rừng tự nhiên 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn Đỗ Thị Minh Hoa nêu vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất là đất rừng phòng hộ, đất rừng tự nhiên. Thực tế, tỉnh Bắc Kạn có tới 56% diện tích là đất tự nhiên, đất rừng tự nhiên, nếu cứ chuyển mục đích sử dụng đất thuộc đất tự nhiên, đất rừng tự nhiên phải được Quốc hội cho phép thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn kiến nghị về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tại khoản 5 Điều 60 quy định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện đến từng thửa đất. Tại khoản 7 Điều 65 yêu cầu khi lập kế hoạch sử dụng đất, các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, diện tích để đấu giá quyền sử dụng đất phải xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính. Quy định này sẽ rất khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là với các công trình theo tuyến, việc điều chỉnh dự án thường xảy ra…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn phát biểu ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 

Kiến nghị quan tâm vấn đề giá đất, hạn mức sử dụng đất

Về vấn đề giá đất, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng, tại điểm a, khoản 3, Điều 154, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ phạm vi áp dụng là “đối với phần diện tích trong hạn mức”.

Để đảm bảo tính công bằng đối với diện tích trong và ngoài hạn mức, ông Trần Anh Dũng đề nghị giữ nguyên như quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 114 Luật đất đai năm 2013. Dẫn ví dụ thực tế tại Nam Định, khi được công nhận quyền sử dụng đất, thường có diện tích lớn hơn hạn mức, thì phần diện tích trong hạn mức được áp dụng theo bảng giá đất, phần vượt hạn mức áp dụng theo giá đất cụ thể; nếu theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thì toàn bộ diện tích đó sẽ được áp dụng chung theo Bảng giá đất, dẫn đến sự mất công bằng đối với các trường hợp đã thực hiện theo Luật Đất đai 2013.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng phát biểu ý kiến về giá đất. 

Ngoài ra, việc xác định giá đất phổ biến rất khó khăn, phức tạp do giá đất phụ thuộc vào từng thời điểm và số lượng giao dịch, chuyển nhượng trên thị trường (một số khu vực không phát sinh giao dịch, chuyển nhượng). Do đó, ông Trần Anh Dũng đề nghị không quy định khoản này tại Luật Đất đai, mà quy định tại Nghị định, Thông tư kèm theo hướng dẫn cụ thể, chi tiết để đảm bảo tính đồng bộ, khách quan trọng công tác xác định giá đất.

Tại hội nghị, có 16/25 đại diện tỉnh, thành phố đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Dự thảo Luật Đất đai có ý nghĩa chính trị quan trọng với tầm ảnh hưởng rộng lớn. Do đó, ngay từ rất sớm, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, tập trung cho công tác lấy ý kiến về Dự thảo Luật, là kết quả của sự đóng góp chung của người dân, nhà khoa học, chuyên gia… và đến nay đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều địa phương đã tổng hợp, tiếp nhận được hàng nghìn ý kiến của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. 

Cũng theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật như một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn dân; quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, những lo lắng của nhân dân… Dự thảo Luật khi trình Quốc hội và sau khi được ban hành, có mục tiêu và kỳ vọng đặt ra là: Tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong thực tế, tạo ra những đổi mới đột phá về quản lý, sử dụng đất đai trong tầm nhìn dài hạn, phát huy vai trò của bộ luật, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý, Luật Đất đai có nhiều chính sách quan trọng, nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước và người dân, trong đó, Nhà nước làm tốt công tác quy hoạch, phân bổ nguồn lực đất đai cho các lĩnh vực kinh tế, các địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong từng thời kỳ, bảo đảm sự phân bổ này bền vững cho kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và môi trường…

Về vấn đề bộ luật đưa ra giá đất phải sát giá thị trường, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, bài toán đặt ra là xác định đúng giá đất, trong đó tập trung làm rõ để có được chủ trương, phương pháp, thông tin dữ liệu đầu vào đúng. Mọi vấn đề xoay quanh giá đất, Nhà nước - với vai trò chủ sở hữu đất đai thì phải thu hồi, định giá. Tuy nhiên, hiện có 2 hình thức là Nhà nước thu hồi; hoặc các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có thể tự thỏa thuận, thống nhất thỏa thuận giá với người sử dụng đất, sau đó Nhà nước quyết định thu hồi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng gợi mở về việc phân cấp mạnh thực hiện quyền liên quan đến đất đai; có những giải pháp thiết thực để đất nông nghiệp khi sử dụng vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa là không gian sinh thái…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
25 tỉnh, thành phố báo cáo tiến độ lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.