Thảo luận tại hội trường chiều 21-6, các đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn với các quy định về chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế. Đối với trường hợp nhận thừa kế, người cùng huyết thống thì tặng, cho, chuyển nhượng là bình thường. Việc giao đất, cho thuê đất các sự nghiệp công lập nếu có nhu cầu sử dụng đất được giao để sản xuất, kinh doanh thì được chọn hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm sẽ được miễn tiền thuê đất. Tuy nhiên, không được bán tài sản thuộc sở hữu, không được thế chấp đất, thuê hoặc tài sản gắn liền với đất.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có các quy định mở hơn nữa trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) nhận thấy, trong thực tích đất và diện tích rừng ngày càng hẹp đi mà người tăng thêm, đặc biệt ở vùng cao. Do đó, những giao dịch thực hiện trong thực tế (giao dịch thừa kế, giao dịch xử lý tài sản trong hôn nhân, ly hôn gia đình, giao dịch tách sổ, tách thửa…) còn nhiều khó khăn theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm.
Băn khoăn về quy định hạn chế quyền giao dịch sử dụng đất mà Nhà nước có hỗ trợ bằng chính sách, nhưng nếu hạn chế quyền giao dịch của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì sẽ gặp nhiều khó khăn, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị, không hạn chế quyền giao dịch sử dụng đất để bảo đảm đồng bào dân tộc thiểu số có quỹ đất ổn định sản xuất và phát triển lâu dài.
Để thực hiện được mục tiêu giữ diện tích đất lúa, đất rừng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, cần quản lý chặt chẽ việc quy hoạch diện tích đất trồng lúa, đất trồng rừng, được xác định cụ thể đến từng địa phương, tới cấp xã. “Với nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích phi nông nghiệp là tất yếu”, đại biểu nói.
Trước mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu, đại biểu đề nghị, cần quy định việc điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm đếm, lượng hóa, hạch toán đầy đủ hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trong nền kinh tế.
Đại biểu cũng đề nghị quy định ngay trong luật các tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích khác, là cơ sở quan trọng để các địa phương thực thi thống nhất trong phạm vi cả nước. Cụ thể, đề nghị bổ sung một số tiêu chí như: Không được chuyển mục đích đất nông nghiệp sau khi đã được tích tụ, tập trung sang phi nông nghiệp, có báo cáo đánh giá tác động, tính khả thi của dự án, gắn trách nhiệm của chủ dự án với cộng đồng.
Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) cho biết, việc sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều công ty nông, lâm nghiệp không sản xuất, hoặc sản xuất kém hiệu quả, khiến đất đai bị lấn chiếm, lãng phí. Đại biểu cho biết, đất nông, lâm trường thường là những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sống xung quanh. “Đồng bào có tập quán sống ở đâu thì sản xuất ở đó, tuy nhiên hiện nay còn thiếu đất sản xuất”, đại biểu nói.
Đại biểu đề nghị, cần bổ sung quy định về nội dung thu hồi đất nông, lâm trường, kể cả đất đã giao, cho thuê nhưng các đơn vị không sản xuất, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, phải thu hồi đất có khả năng canh tác để giao cho đồng báo dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo sống ở khu vực có đất nông, lâm trường để canh tác, góp phần tạo sinh kế cho người dân.
Ngoài các chính sách hiện hành, đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn Kon Tum) cũng cho rằng, cần tạo thêm quỹ đất từ diện tích thực tế đang có tại các địa phương để giải quyết nhu cầu sản xuất của các hộ gia đình đang thiếu đất sản xuất, trong đó, tập trung vào quỹ đất nông nghiệp do xã, cộng đồng dân cư quản lý; đặc biệt là diện tích do các nông, lâm trường đã bàn giao về cho địa phương quản lý, vì nếu Nhà nước không nâng mức hỗ trợ phù hợp thì khó thực hiện.
Nêu ví dụ về diện tích đất đã thu hồi từ các nông, lâm trường bàn giao về địa bàn địa phương quản lý và giao cho các hộ dân người dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, đại biểu cho rằng, thời gian qua, phần lớn diện tích này chưa thể sử dụng được vì thiếu vốn để đo vẽ bản đồ địa chính khai hoang. Trong khi đó, ngân sách của cấp huyện, của các tỉnh miền núi hiện nay rất khó khăn, không có kinh phí để bố trí thực hiện các công việc trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.