(HNM) - Một tuần trước, 6/7 tác giả chính của công trình "Nghiên cứu mô hình tư vấn di truyền cho các gia đình chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học trong chiến tranh" đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học y - dược. Một người còn lại, GS-TS Trịnh Văn Bảo đã không chờ được đến ngày này, ông qua đời năm 2006 do bệnh ung thư. Nhưng ít ai biết được rằng, để đến với giải thưởng cao quý này, cố GS Trịnh Văn Bảo và các đồng nghiệp ở ĐH Y Hà Nội đã dành 11 năm cho một công trình của đời người.
Công trình từ những tấm lòng
PGS-TS Phan Thị Hoan, thành viên nhóm nghiên cứu bồi hồi nhớ lại 11 năm trước, năm 2001, cố GS-TS Trịnh Văn Bảo và các đồng sự xây dựng đề cương triển khai đề tài này như một đề tài cấp Nhà nước (cùng với PGS-TS Trần Thị Thanh Hương, PGS-TS Nguyễn Thị Phượng, TS Hoàng Thị Ngọc Lan, PGS-TS Trần Đức Phấn, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hùng) do đau xót khi nhìn thấy những nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai thứ ba bị dị tật hành hạ. Triển khai đề tài ở sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và tỉnh Thái Bình, nhóm nghiên cứu còn đau xót hơn khi thấy những người cha, người mẹ mang con đến khám, đời sống vật chất đã khó khăn, tinh thần lại trĩu nặng vì có những đứa con dị tật.
Những nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai, thứ ba bị dị tật hành hạ. Ảnh: Thu Giang |
Nhớ về những ngày đầu triển khai đề tài, PGS-TS Phan Thị Hoan ứa nước mắt khi nhắc tới thầy Trịnh Văn Bảo. Thầy Bảo là tấm gương sáng, luôn được những người dân nơi triển khai nghiên cứu đề tài quý mến. Mỗi khi về Đà Nẵng, về Đồng Nai, ông thường nói như đã về đến nhà. Đều là giảng viên ở ĐH Y Hà Nội, ngoài công việc bộ môn, các thầy, cô tham gia nghiên cứu cũng thường xuyên phải di chuyển giữa ba địa điểm thực hiện đề tài, mỗi chuyến đi từ 7 đến 10 ngày. Nhưng điều an ủi là họ đã xác định được tỷ lệ dị tật liên quan đến hóa chất trong chiến tranh ở hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề là sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa cao hơn hẳn so với vùng đối chứng Thái Bình.
Vốn có chồng là quân nhân tham gia chiến đấu ở chiến trường A Sầu - A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc hóa học trong chiến tranh, PGS-TS Phan Thị Hoan đã từng ngủ mơ mình sinh con bị dị tật, nên khi may mắn sinh con lành lặn, bà rất hiểu cảm giác của những người có con dị tật. Chính vì thế, ngay sau khi đề tài này được nghiệm thu, nhóm đã triển khai tiếp đề tài nghiên cứu di truyền tế bào mức độ phân tử, triển khai chẩn đoán trước sinh, sau sinh, phát hiện dị tật sớm trên cộng đồng. Từ một đề tài có tính chất nghiên cứu, đến nay công trình đã được ứng dụng rộng rãi, nhận được sự tin cậy của cộng đồng về dịch vụ chẩn đoán sớm dị tật bẩm sinh, chậm phát triển tâm thần ở các cặp vợ chồng có, thậm chí không có bất thường sinh sản.
Niềm hy vọng mới
Theo PGS-TS Trần Đức Phấn, hiện nay mỗi ngày có hàng chục cặp vợ chồng đến làm xét nghiệm, chẩn đoán sớm trước sinh. Làm một nghề rất nhạy cảm, nên dù công việc bận rộn, các nhà khoa học triển khai đề tài này vẫn dành nhiều thời gian tâm sự với các gia đình không may mắn, có đột biến nhiễm sắc thể hoặc bất thường nào đó ảnh hưởng đến sinh sản. Thậm chí có những gia đình, người vợ đã sảy thai 7 lần, khi chẩn đoán tại đây đã xác định người chồng bị đột biến nhiễm sắc thể, nhưng anh chồng không chấp nhận sự thật và đã quay lại kiểm tra lần thứ hai.
Hôm nhận Giải thưởng Nhà nước, cố GS Trịnh Văn Bảo đã đi xa, nhưng con gái ông là TS Trịnh Thái Hà, một giảng viên trẻ của Viện Răng - Hàm - Mặt, ĐH Y đã tiếp tục con đường cha cô đã đi. Chặng đường 11 năm dài dằng dặc từ ngày triển khai đề tài nghiên cứu đầu tiên, rồi những ngày làm dự án chẩn đoán, sàng lọc trước sinh nay đã được ứng dụng rộng rãi, nhưng các nhà khoa học tâm huyết thực hiện đề tài này vẫn tiếc vì chưa có được một trung tâm tư vấn trước sinh đúng nghĩa là "tư vấn" để các gia đình có nhu cầu có thể gặp gỡ những người làm công tác chẩn đoán sớm, được biết kỹ hơn về nguy cơ và giảm số trẻ em bị dị tật mới sinh.
Trung bình mỗi năm Việt Nam có trên 1 triệu trẻ mới sinh, theo các nhà khoa học, nguy cơ trẻ có đột biến là 1/100. Giờ đây tại Việt Nam, đã có Trung tâm Chẩn đoán trước sinh ở Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, nhưng thực tế số trẻ được tham gia sàng lọc còn ít ỏi, đặc biệt là dịch vụ tư vấn tiền hôn nhân còn rất hạn chế, khiến các gia đình không có hiểu biết về nguy cơ khi bước vào đời sống vợ chồng và làm cha mẹ. Có những trung tâm dạy làm cha mẹ giỏi và văn minh, đó không chỉ là mơ ước của riêng các nhà khoa học.
Hai công trình và cụm công trình khác thuộc lĩnh vực y - dược cũng được tặng Giải thưởng Nhà nước về KH - CN trong đợt này gồm: Công trình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại nghiên cứu đổi mới dịch vụ truyền máu, sản xuất và chuẩn hóa các chế phẩm máu sử dụng cho điều trị bệnh (tác giả: GS-TS Đỗ Trung Phấn); cụm công trình nghiên cứu về cây trinh nữ hoàng cung VN (tác giả: TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.