(HNM) - Phòng cháy, chữa cháy là câu chuyện được nói rất nhiều thời gian qua. Từ những vụ cháy nhà chung cư, xưởng công nghiệp, cơ sở dịch vụ, chợ… đến nhà dân, có một điểm chung là sự “thờ ơ”, chủ quan với “giặc lửa” của không ít người.
Tuy nhiên, hậu quả của “giặc lửa” lại rất nặng nề. Sự ám ảnh sẽ đeo bám người dân sinh sống ở phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) khi cả 4 người trong một gia đình đã không may thiệt mạng bởi ngôi nhà ống của họ “bỗng nhiên” xảy ra cháy. Sự ám ảnh cũng sẽ đeo bám người dân khu vực phố Vọng, phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), nơi “giặc lửa” vừa cướp đi 2 sinh mạng.
Thực tế ở Hà Nội cùng nhiều đô thị lớn khác, tại các khu dân cư cũ, chiếm phần lớn là nhà ở có thiết kế dạng nhà ống nằm san sát. Đó là do lịch sử, thậm chí là nét “văn hóa kiến trúc”, và ở một góc độ khác là điều kiện kinh tế của người dân. Nhưng thực tế, nhà ống lại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, đặc biệt khi được xây dựng kiên cố với phương châm “ưu tiên chống trộm”. Nhiều chủ nhân cho “bao bọc” ngôi nhà bằng lồng sắt kiên cố… Trong khi đó, không ít khu dân cư nằm trong các ngõ, ngách sâu, xe chữa cháy không thể tiếp cận. Nhiều khu có điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy không bảo đảm, xập xệ hoặc chưa được trang bị. Đáng lo ngại hơn là ở nhiều khu dân cư đông người, có các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, nguyên vật liệu là chất dễ cháy như gas, xăng dầu, đồ nhựa…
Trong khi rất nhiều cái khó gây cản trở đáng kể cho công tác phòng cháy, chữa cháy thì ý thức người dân cũng chưa có nhiều thay đổi. Do vậy, phải thay đổi cách nghĩ, phải bổ sung kiến thức về phòng cháy và kỹ năng thoát hiểm cho mỗi cá nhân. Trong hệ thống trường học, trong các buổi sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư, vấn đề này phải được chú trọng tuyên truyền. Việc tuyên truyền phải có trọng tâm, trọng điểm, phải trở thành việc làm thường xuyên chứ không theo phong trào. Đặc biệt, để khắc chế “giặc lửa”, yếu tố tối quan trọng là mỗi người dân phải tự ý thức chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước, trau dồi kỹ năng, trang bị phương tiện phòng cháy. Cụ thể là nâng cao kiến thức về sử dụng đồ điện, sử dụng bếp gas an toàn; khi xảy cháy, phải có kỹ năng giúp mình, giúp người khác thoát nạn…
Bên cạnh đó, các khu dân cư mới phải đặc biệt lưu tâm vấn đề quy hoạch, chú trọng các tiêu chí phục vụ phòng cháy, chữa cháy. Các cơ quan chuyên ngành cần khuyến cáo hoặc có hướng dẫn người dân xây dựng nhà bảo đảm lối thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy nổ; trong khu dân cư bố trí đường và nguồn nước thuận lợi cho công tác chữa cháy…
Cuối cùng là cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội để công tác này đi vào thực chất, hiệu quả, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.