(HNM) - Đó là mong mỏi của đội ngũ cán bộ làm công tác Công đoàn (CĐ), cũng là quan điểm chung của các đại biểu tại Hội nghị khảo sát, lấy ý kiến việc thực hiện pháp luật về CĐ do Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức trung tuần tháng 2 vừa qua.
Ông Trần Văn Thực - Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội cho biết, LĐLĐ TP đang quản lý 71 CĐ cấp trên cơ sở và CĐ cơ sở trực thuộc gồm 6.600 CĐ cơ sở với 419.344 đoàn viên CĐ, nhưng chỉ có 321 cán bộ CĐ chuyên trách cấp trên cơ sở. Tuy có hơn 21.465 cán bộ CĐ cơ sở, nhưng hầu hết là bán chuyên trách, dẫn đến chất lượng hoạt động CĐ còn hạn chế. Đây không phải trở ngại duy nhất, song là vấn đề cơ bản liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ quyền lợi NLĐ.
Bên cạnh vấn đề con người, thực tế còn cho thấy, Luật CĐ hiện nay đang "lộ" rõ nhiều bất cập như quy định CĐ là người đại diện duy nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ. Tuy nhiên, người đại diện duy nhất khó bảo vệ được đầy đủ quyền lợi của NLĐ vì khi "vấp" phải sự không đồng tình của chủ sử dụng lao động thì thiếu chế tài hỗ trợ. Nhiều khi biết rõ chủ sử dụng lao động vi phạm các chế độ, chính sách, liên quan trực tiếp đến quyền lợi NLĐ, nhưng CĐ đành "bó tay" vì không có quy định nào cho phép CĐ xử lý các vi phạm. Mặc dù Luật CĐ đã quy định chính quyền và các đoàn thể phối hợp với CĐ để bảo vệ NLĐ, nhưng việc này cũng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, dẫn đến sự phối hợp lỏng lẻo, khiến CĐ đành phải "đơn thương độc mã" khi thực hiện vai trò đại diện bảo vệ NLĐ...
Tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội khẳng định, CĐ là chủ thể quan trọng và cần thiết trong việc giải quyết tranh chấp lao động và đình công tự phát. Chỉ tính riêng trong năm 2011, CĐ các KCN&CX Hà Nội trực tiếp giải quyết và tham gia giải quyết 42 vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Muốn giảm đình công, ngừng việc, khắc phục những bất cập tồn tại, Luật CĐ (sửa đổi) cần có quy định tăng biên chế cho cán bộ CĐ và phân bổ trách nhiệm cho CĐ cấp trên cơ sở trong việc bố trí, kiện toàn bộ máy cán bộ CĐ địa phương, phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, Luật CĐ (sửa đổi) cần có quy định, DN từ 500 lao động trở lên có một cán bộ CĐ chuyên trách để chỉ đạo, quản lý, hỗ trợ hoạt động của CĐ cơ sở.
Ngoài vấn đề địa vị pháp lý, quyền đại diện của tổ chức CĐ, thì việc trích nộp 2% lương thực trả cho NLĐ để làm kinh phí hoạt động CĐ ở tất cả DN có hay chưa có tổ chức CĐ cần đưa vào luật. Các cán bộ CĐ cho biết, không ít chủ DN chưa nhận thức đầy đủ về tổ chức CĐ, nên thường có nhiều lý do để tránh tiếp xúc với CB CĐ và không muốn thành lập CĐCS để né tránh nộp kinh phí CĐ theo quy định. Một bất cập khác cần được khắc phục là hiện nay DN FDI có CĐ chỉ đóng phí CĐ 1% quỹ lương thực trả cho NLĐ thì các DN khác lại là 2%. Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên Phó Thị Nguyệt Nga cho biết, trên địa bàn quận chỉ có 1/4 số DN FDI thực hiện trích kinh phí CĐ 1% và nhiều DN các loại hình khác không hề trích kinh phí CĐ. Việc thu kinh phí CĐ 2% rất khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của CĐ.
Bên cạnh đó, để khắc phục tồn tại trong hoạt động CĐ, các cán bộ CĐ kiến nghị Luật CĐ (sửa đổi) cần quan tâm đến quyền đại diện của CĐ trong việc ký thỏa ước lao động tập thể tại DN. Vai trò của CĐ trong việc tổ chức lãnh đạo đình công theo pháp luật. Các DN ngoài nhà nước bố trí tạo điều kiện và bảo đảm thời gian dành cho hoạt động CĐ...X
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.