(HNM) - Nằm trên địa bàn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì), các nhà xưởng tái chế phế liệu nằm dọc bờ sông Nhuệ tại khu vực Bến Dốc gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn phường Kiến Hưng (quận Hà Đông).
Hoạt động tái chế phế liệu ở Hữu Hòa (huyện Thanh Trì) ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân tại phường Kiến Hưng (quận Hà Đông). |
Trong đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Báo Hànộimới, ông Ngô Anh Tuấn (sống tại chung cư sông Nhuệ, phường Kiến Hưng) cho biết: "Hằng ngày, từ khoảng 18h trở đi đến sáng hôm sau, khói đen, bụi than, mùi dây điện cháy, mùi khét lưu huỳnh… nồng nặc tỏa ra từ các nhà xưởng tái chế phế phẩm, ảnh hưởng đến các khu dân cư rộng lớn sinh sống tại chung cư Mường Thanh, sông Nhuệ, khu tập thể Bê tông… trên địa bàn phường Kiến Hưng với khoảng trên 30.000 nhân khẩu. Hoạt động tái chế phế phẩm gây xáo trộn đời sống sinh hoạt, sức khỏe người dân…".
Được biết, khu nhà xưởng này nằm ngay sát cơ đê sông Nhuệ trên địa bàn thôn Hữu Lê (xã Hữu Hòa), được hình thành từ những năm 1989- 1990. Đây vốn là đất thùng hố (đất đào đóng gạch), được HTX Nông nghiệp Hữu Hòa giao cho xã viên sử dụng. Hiện có 8 hộ có nhà xưởng tại đây với các hoạt động sản xuất, tái chế: Sắt thép, bao bì, chai nhựa, khung nhôm cửa kính, gỗ, đá grannít. Nằm trên phạm vi đất của xã Hữu Hòa, nhưng khu vực này nằm cách khá xa khu dân cư xã; song lại gần khu dân cư phường Kiến Hưng nên việc gây ô nhiễm môi trường, từ hoạt động sản xuất tại đây tác động chủ yếu tới địa bàn phường "bạn".
Làm việc với UBND xã Hữu Hòa, ông Tưởng Văn Chúc - Chủ tịch UBND xã thừa nhận: Thời gian qua, UBND huyện Thanh Trì, Cảnh sát Môi trường nhiều lần kiểm tra, xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường một số cơ sở sản xuất, tái chế tại khu vực Bến Dốc; đồng thời yêu cầu, hướng dẫn các hộ làm cam kết bảo vệ môi trường. UBND xã Hữu Hòa cũng tuyên truyền, yêu cầu các hộ, đặc biệt là xưởng nấu sắt, thép của ông Nguyễn Khắc Hồng khắc phục tình trạng ô nhiễm, xử lý mùi theo tiêu chuẩn quy định. Hiện, cơ sở của ông Hồng đang xử lý khói, mùi từ lò đốt hơi bằng hệ thống hút khói qua bể nước 3 ngăn để khắc phục ô nhiễm. Tuy nhiên, đây mới là giải pháp tạm thời. Xác định cơ sở gây ô nhiễm, mức độ ra sao cần có thiết bị đo đạc, quan trắc, song bằng trực quan, cán bộ xã Hữu Hòa khẳng định, ngoài cơ sở tái chế sắt, thép còn có xưởng tái chế giấy làm bìa carton tại đây cũng gây ô nhiễm.
Là khu vực sản xuất nghề duy nhất hiện nay trên địa bàn xã Hữu Hòa, vì vậy việc tạo điều kiện để các hộ gia đình yên tâm sản xuất là điều địa phương quan tâm. Song, trước thực trạng đáng lo ngại trên đòi hỏi cần có biện pháp xử lý triệt để. Trao đổi với phóng viên, ông Tưởng Văn Chúc cho biết: UBND xã đã quy hoạch 15ha đất để chuyển đổi ngành nghề, xây dựng khu sản xuất tập trung và nếu được phê duyệt sẽ di dời các hộ ra khu vực này. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu kế hoạch này bao giờ mới được thực thi?
Câu hỏi này người dân không thể tự trả lời được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.