Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xúc tiến thương mại - “bệ đỡ” hiệu quả cho doanh nghiệp

Thanh Hiền| 19/03/2023 06:17

(HNM) - Trước những biến động của thị trường trong nước và thế giới, việc xúc tiến thương mại đã được điều chỉnh kịp thời, triển khai linh hoạt, trở thành cầu nối đưa hàng Việt ra thế giới. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Ánh Dương về vấn đề này.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Ánh Dương.

Đổi mới phương thức triển khai

- Dưới tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động xúc tiến thương mại đã có sự đổi mới mạnh mẽ. Vậy những nét mới đó là gì, thưa ông?

- Chuỗi cung ứng đứt gãy, giao thương trong nước và quốc tế bị gián đoạn... đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiềm lực còn hạn chế.

Trước bối cảnh đó, chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch được thành phố Hà Nội phê duyệt sớm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai. Hoạt động xúc tiến thương mại cũng có sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức triển khai. Điển hình là chuỗi chương trình nâng cao năng lực chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, hỗ trợ kỹ năng quảng bá giới thiệu sản phẩm trên nền tảng trực tuyến, kỹ năng tham gia hiệu quả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn đã hỗ trợ doanh nghiệp, nhà cung ứng đa dạng kênh phân phối. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại lớn như kết nối giao thương cấp vùng, liên kết với các tỉnh, thành trên cả nước, hỗ trợ xúc tiến hàng Việt, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... Qua đó, các nhà sản xuất, cung ứng của nhiều địa phương kết nối với hệ thống phân phối, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.

- Xin ông cho biết hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến?

- Hoạt động này được triển khai một cách linh hoạt, không bị giới hạn về thời gian đã hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả cạnh tranh trong kinh doanh. Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, trực tuyến kết hợp trực tiếp, góp phần quan trọng, giúp doanh nghiệp đạt kết quả xuất khẩu tích cực. Từ đó, doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn các thông tin cập nhật về thị trường, ngành hàng, thị hiếu tiêu dùng của các nước; có thể tự đăng ký và tham gia hội chợ, triển lãm trực tuyến, kết nối giao dịch thương mại trực tuyến với các đối tác trong và ngoài nước. Đồng thời, theo kịp xu hướng phát triển của thế giới và đặc biệt là không bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu.

- Ông nhận định ra sao về điểm mạnh và những hạn chế của doanh nghiệp trong hoạt động quảng bá sản phẩm, xúc tiến xuất khẩu?

- Thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã đã hưởng ứng rất tích cực vào các hoạt động xúc tiến thương mại. Doanh nghiệp cũng chủ động nắm bắt thông tin về thị trường, ngành hàng, các quy định về thủ tục xuất khẩu; đổi mới phương thức tiếp cận và khai thác thị trường xuất khẩu mới. Đồng thời, chủ động tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm tăng khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc đáp ứng các quy định tiêu chuẩn của các quốc gia và tổ chức quốc tế về phương pháp sản xuất, chế biến, bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường, yêu cầu về nhân công, bao bì đóng gói, tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật, yêu cầu sử dụng vật tư năng lượng không gây hại môi trường... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn yếu về tiềm lực tài chính và nguồn nhân lực. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, kinh doanh, giao dịch với đối tác trong và ngoài nước còn hạn chế.

Tập trung nguồn lực cho xúc tiến thương mại

- Vậy theo ông doanh nghiệp cần làm gì để khắc phục, bắt nhịp với những thay đổi, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị phần hàng Việt?

- Tôi cho rằng, doanh nghiệp cần thay đổi quy trình sản xuất và nguồn cung ứng nguyên liệu để có thể đáp ứng được các quy tắc xuất xứ. Cải thiện tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm để đáp ứng được các quy định pháp lý của thị trường nhập khẩu cũng như nhu cầu của người tiêu dùng nước nhập khẩu. Tăng cường đầu tư cho đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến theo hướng thân thiện với môi trường, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm, ít tiêu hao năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, tận dụng cơ hội từ các chương trình xúc tiến thương mại của thành phố và Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023 của Bộ Công Thương để quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm và kết nối đối tác trong và ngoài nước.

- Ông có đề xuất gì để hoạt động xúc tiến thương mại đạt hiệu quả hơn trong năm 2023?

- Cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trong việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và các hoạt động gắn kết khác.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tránh dàn trải nguồn lực để nâng cao chất lượng công tác xúc tiến; kết hợp với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới tư duy và phương pháp kết nối hỗ trợ doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến thương mại cần được triển khai mạnh mẽ với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú hơn nữa. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.

Nghiên cứu, mở rộng thị trường xuất khẩu, hệ thống phân phối lớn của nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa Việt trực tiếp thâm nhập vào mạng lưới bán lẻ nước ngoài. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn hỗ trợ, tư vấn, định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; kỹ năng xúc tiến thương mại, thiết kế phát triển sản phẩm, thương hiệu, giải pháp chuyển đổi số, mô hình kinh doanh thương mại điện tử...

Gắn kết chặt chẽ hơn nữa trong công tác xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp giữa các cơ quan trung ương và địa phương, giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước, cơ quan thương vụ và với tổ chức xúc tiến trong và ngoài nước. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cơ quan xúc tiến thương mại, doanh nghiệp để dùng chung trong việc triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại; cơ sở dữ liệu về ngành hàng, thị trường, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu của các nước, hiệp định thương mại tự do, cam kết quốc tế…, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền tới doanh nghiệp.

- Với vai trò chủ trì thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại của thành phố, năm 2023, trung tâm có kế hoạch triển khai các hoạt động gì để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp?

- Chúng tôi tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố trong công tác xúc tiến; tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chú trọng đổi mới. Xây dựng kế hoạch, tổ chức, tham gia, phối hợp tổ chức thành công, có hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội năm 2023; chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023 của Bộ Công Thương; liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành, cơ quan xúc tiến trong và ngoài nước để tổ chức, phối hợp tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và hoạt động gắn kết khác.

Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt Nam tới người tiêu dùng; mở rộng, phát triển thị trường phân phối sản phẩm của các doanh nghiệp; tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, tuần hàng… tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và nước ngoài. Tổ chức hoạt động kết nối xúc tiến nông nghiệp qua trang “Nông sản an toàn” Hà Nội; xúc tiến quảng bá sản phẩm nông nghiệp của thành phố.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xúc tiến thương mại - “bệ đỡ” hiệu quả cho doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.