(HNM) - Hôm qua, 7-10, đông đảo các tầng lớp nhân dân cả nước xúc động tiễn đưa nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - nhà lãnh đạo tâm huyết, quyết đoán, chí công vô tư, người đã dành trọn cuộc đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân… về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà.
Người dân huyện Thanh Trì dự Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.Ảnh: Nhật Nam |
Xúc động chia sẻ những cảm nhận về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, bà Nguyễn Thị Ưng (75 tuổi, ở khu tập thể Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết: “Khi còn làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, tôi đã vinh dự được chăm sóc sức khỏe nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Bác là nhà lãnh đạo có phong cách giản dị, gần gũi, tình cảm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bác ra đi để lại nỗi tiếc thương sâu sắc trong lòng dân”.
Hòa trong dòng người tiễn đưa nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Nguyễn Hoàng Lan, sinh viên năm thứ hai, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội chia sẻ, em đặc biệt ấn tượng về bác Đỗ Mười trên cương vị một nhà ngoại giao, để lại nhiều dấu ấn quan trọng. “Đọc và nghiên cứu những tư liệu về bác Đỗ Mười có thể thấy, trên cương vị người lãnh đạo của Đảng, bác đã có những đóng góp to lớn trong việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ; chủ động gia nhập ASEAN, mở rộng quan hệ ngoại giao với cộng đồng quốc tế theo phương châm “Việt Nam là bạn của các quốc gia trên thế giới”. Thế hệ trẻ chúng em hôm nay luôn biết ơn và trân trọng những đóng góp của thế hệ cha ông, của bác Đỗ Mười. Xin tiễn biệt bác về an nghỉ tại quê nhà” - Nguyễn Hoàng Lan nói.
Cùng với đông đảo nhân dân quận Hoàng Mai đón chờ giây phút đoàn xe chở linh cữu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đi qua, ông Trần Văn, 83 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, ở tổ dân phố 1B, phường Thịnh Liệt cho biết: "Tuy chưa một lần được gặp bác Đỗ Mười, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của bác chính là tấm gương sáng của một nhà lãnh đạo có phong cách giản dị, gần gũi, luôn quan tâm tới tâm tư, nguyện vọng và đời sống của nhân dân. Lối sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính của bác là điều mà các thế hệ hôm nay phải học tập”.
Người dân Thủ đô tiễn đưa nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: Viết Thành |
Có mặt dự Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sáng 7-10 tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), Đại tá Đinh Văn Huệ, nguyên Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường, Quân khu 7 (91 tuổi đời, 71 năm tuổi Đảng) khẳng định: “Đất nước chúng ta đang trên đà phát triển, vị thế trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Thành quả đó có sự đóng góp của những cán bộ lão thành cách mạng, những đảng viên kiên trung như đồng chí Đỗ Mười”.
Mặc dù hơn 11h, linh cữu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười mới về tới quê nhà, nhưng đông đảo người dân huyện Thanh Trì đã đứng chờ trên các tuyến đường nơi đoàn xe đi qua từ sáng sớm (7-10) với mong muốn được tiễn biệt người con ưu tú của quê hương. Ông Trần Nhi, 88 tuổi ở thôn 1, xã Đông Mỹ cho biết, nghe tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần, người dân trong xã vô cùng tiếc thương. Nhiều gia đình đã lập bàn thờ nhà lãnh đạo tâm huyết, người con ưu tú của quê hương Đông Mỹ và tình nguyện góp sức để đón đồng chí về quê hương... Trong hơn 80 năm hoạt động cách mạng, dù rất bận rộn công việc, nhưng nguyên Tổng Bí thư luôn dành tình cảm đặc biệt đối với quê hương Đông Mỹ. Những ngày lễ, Tết cổ truyền của dân tộc, đồng chí thường về thăm hỏi các vị lão thành cách mạng; động viên, nhắc nhở các thế hệ cán bộ địa phương đoàn kết, xây dựng xã Đông Mỹ phát triển toàn diện để nhân dân được no ấm, đủ đầy...
Ông Nguyễn Ngọc Lân, 72 tuổi, ở xóm Bến, thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) chia sẻ: “Quê hương Thanh Trì rất vinh dự và tự hào đã sinh ra đồng chí Đỗ Mười. Mỗi lần về thăm quê, đồng chí luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến người dân. Nụ cười trìu mến của đồng chí khi trò chuyện với người dân quê nhà là hình ảnh đọng lại sâu sắc trong tâm trí mỗi chúng tôi. Đồng chí ra đi là mất mát to lớn đối với quê hương Thanh Trì nói riêng và đất nước nói chung...”.
Đúng 13h cùng ngày, Lễ an táng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã được tổ chức tại quê nhà, khu Ma Vang, thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội theo nghi thức cổ truyền của dân tộc. Nhưng sau đó, đông đảo các tầng lớp nhân dân tiếp tục tới đây những mong được thắp nén nhang vĩnh biệt nhà lãnh đạo đã dành trọn cuộc đời phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Lau giọt nước mắt, bà Nguyễn Thị Quỳ, ở thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) xúc động nói: “Dẫu biết có sinh ắt có tử, song sự ra đi của bác Đỗ Mười là mất mát lớn đối với người dân Thanh Trì. Bác không chỉ là nhà lãnh đạo tài ba, có tâm, có đức của đất nước, mà còn là niềm tự hào của người dân Thanh Trì. Đón bác về với quê hương, ai cũng buồn thương. Người dân chúng tôi tự nhủ sẽ noi theo bác, gìn giữ truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ cha ông đã dày công xây dựng”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.