(HNM) - Cuộc gặp mặt giản dị, thân mật, gần gũi giữa lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội và 14 nữ nhà giáo có chồng đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa vào những ngày làm việc cuối cùng trước dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đã đọng lại trong lòng những người có mặt nhiều cảm xúc
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hiệp Thống trao quà cho các nhà giáo có chồng đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. |
Ngóng Tết ở đảo xa
Tìm hiểu hoàn cảnh của từng người, càng thấm thía những khó khăn, thiệt thòi của các nữ nhà giáo có chồng là bộ đội, nhất là những người lính đảo. Đó là trường hợp chị Đào Huyền Anh, Trường Tiểu học Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ) có chồng là Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội chống khủng bố thuộc lực lượng Đặc công nước; chị Đỗ Thị Xuân, Trường THPT Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) có chồng là Trung úy Kiều Ứng Long, Lữ đoàn 649, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần đang công tác tại đảo Sinh Tồn; chị Phạm Thị Dung, Trường THCS Chu Văn An, có chồng là chiến sĩ Nguyễn Đức Chiều, Tổ trưởng tổ lái tàu 51-11-75, Lữ đoàn 649, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần…
Trong số 14 nữ nhà giáo có mặt tại cuộc gặp gỡ, chị Bùi Thị Tuyết, Trường Mầm non Tuổi thơ (quận Ba Đình) là người gắn bó với ngành lâu nhất - 36 năm. Chồng chị là Thượng tá Lê Văn Bảo, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Rađa 451, Trường Sa. Ngày yêu nhau, dù biết anh là lính Hải quân, đóng quân tận Cam Ranh (Khánh Hòa), song chị, một cô gái gốc Hà Nội vẫn không nề hà khó khăn, sẵn sàng gây dựng hạnh phúc. Có quãng thời gian cuộc sống khó khăn, ngoài thời gian đứng lớp, chị còn bươn chải nhiều việc, từ chạy chợ, bán hàng, lo lắng việc gia đình… để nuôi con. Chị Tuyết chia sẻ: "Khi ấy, những cặp chồng bộ đội, vợ giáo viên là mẫu hình lý tưởng trong mắt nhiều người. Nhưng có trải qua mới hiểu nỗi vất vả, thiệt thòi của người lính và người làm vợ lính. Lấy nhau 30 năm, song cộng dồn cả thời gian nghỉ lễ, Tết, nghỉ phép… thời gian vợ chồng ở bên nhau chỉ khoảng 5 năm. Nhiều khi thấy tủi thân, nhất là khi con ốm, hay mỗi dịp Xuân về. Thế nhưng càng xa anh, mình lại càng thương anh hơn…".
Cái Tết đầu tiên xa chồng của người vợ trẻ 25 tuổi, cô giáo Lê Thị Linh, Trường Mầm non Phúc Hòa (huyện Phúc Thọ) đã ấm áp hơn khi có cơ hội gặp gỡ, nghe các nữ đồng nghiệp cùng cảnh ngộ sẻ chia. Nhà neo người, con gái lớn mới lên ba tuổi, song chị vẫn gói bánh chưng, sắm Tết như khi anh ở nhà. Chồng chị, Thiếu úy Khuất Huy Thục (29 tuổi) làm y sĩ ở trạm xá của đảo Sinh Tồn Đông từ tháng 5-2014, khi ấy chị Linh còn đang mang bầu bé thứ hai. Chị bảo, mỗi lần nghe câu hát "vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em", trong lòng lại quặn thắt nỗi nhớ chồng. Nhớ lắm, nhưng chị luôn dặn lòng phải cố gắng hơn nữa. Bởi chị hiểu, còn rất nhiều đồng đội cần đến anh, và chị cũng còn không ít đồng nghiệp ở bên sẵn lòng sẻ chia, chung sức.
Chung lòng hướng về nơi đầu sóng
Đây là lần đầu tiên ngành giáo dục Thủ đô tổ chức cuộc gặp mặt nhằm động viên, chia sẻ với các nữ nhà giáo có chồng đang làm nhiệm vụ ở nơi đảo xa. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết: Trong khi hầu hết các gia đình đều được quây quần khi Tết đến, thì nhiều gia đình cán bộ, chiến sĩ lại ngóng Tết ở nơi đảo xa, trong đó có những nữ nhà giáo của Hà Nội. Để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt ấm áp này, từ hơn một tháng trước Tết, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, tổng hợp tên và hoàn cảnh cụ thể của những nữ nhà giáo có chồng làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Không chỉ là dịp chia sẻ, cảm ơn các cô giáo đã nỗ lực cố gắng, là hậu phương vững chắc để các chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, đây còn là dịp để lãnh đạo ngành và đồng nghiệp bày tỏ sự tri ân đối với các cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, miệt mài với nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc.
Buổi gặp mặt các nữ nhà giáo có chồng công tác tại Trường Sa là một trong nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa của ngành GD-ĐT Thủ đô hướng về biển đảo thời gian qua. Năm 2014, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục trong toàn ngành về chủ quyền biển đảo, trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ngành GD-ĐT đã phát động trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhiều hoạt động hướng về biển đảo quê hương như tham gia ủng hộ chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa" thông qua hình thức nhắn tin, hưởng ứng vận động 100 nghìn chữ ký ủng hộ việc giữ gìn môi trường hòa bình ở Biển Đông, chung tay xây dựng công trình trường học ở huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), gặp mặt 88 học sinh có bố đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa…
Một trong những hoạt động nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh ngành GD-ĐT Thủ đô, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn ngành và có ý nghĩa xã hội lớn là phối hợp với Báo Hànộimới phát động chương trình "Chung sức vì biển đảo quê hương" vào tháng 6-2014. Tại lễ phát động này, thông qua Quỹ Trái tim nhân ái của Báo Hànộimới, ngành GD-ĐT Thủ đô đã trao số tiền 100 triệu đồng để tặng gia đình các cảnh sát biển có hoàn cảnh khó khăn đang làm nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa. Đây là những đóng góp thiết thực, có ý nghĩa của ngành GD-ĐT Thủ đô nhằm chung sức cùng cả nước hướng về Hoàng Sa - Trường Sa, bảo vệ biển đảo thân yêu của Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.