(HNM) - Là đô thị đông dân bậc nhất nước, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với không ít hành vi vi phạm hành chính của công dân nhưng rất khó xử phạt do vướng các quy định pháp luật.
Khó phạt với một số hành vi vi phạm
Theo Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, từ tháng 7-2013 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 4.218.188 vụ vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt 3.900.175 trường hợp, trong đó đã thi hành 3.308.241 trường hợp. Số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính là gần 5.962 tỷ đồng; đồng thời số tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện tịch thu là trên 289 tỷ đồng. Những lĩnh vực có nhiều hành vi vi phạm gồm xây dựng không phép, trái phép; trật tự an toàn xã hội, lấn chiếm lòng lề đường; giao thông đường bộ; môi trường; an toàn thực phẩm...
Cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. |
Tuy nhiên, trên thực tế có một số hành vi vi phạm khiến các cơ quan có thẩm quyền phải "bó tay" hoặc lúng túng trong việc áp quy định để xử phạt. Đơn cử, hành vi câu cá trái phép trên các kênh rạch nội đô, hay việc người dân sử dụng container để làm nhà ở... Hoặc trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm như không trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định, nhưng chỉ có thể lập biên bản xử phạt chứ chưa thể bắt buộc đối tượng vi phạm chấm dứt hành vi ngay lúc đó, vì đây là dạng vi phạm dưới hình thức không hành động.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều trường hợp cùng một hành vi và mức xử phạt vi phạm hành chính, nếu ở địa phương khác thì phù hợp, nhưng ở TP Hồ Chí Minh lại không đủ sức răn đe, nên có những chủ thể chấp nhận chịu phạt vài triệu đồng bởi cái lợi đằng sau lớn hơn.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ Tư pháp khẩn trương lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến và đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. |
Tháo gỡ những bất cập
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh, có 3 bất cập cơ bản, rõ nhất của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, gồm: Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính không rõ ràng; quy định về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chưa khả thi; quy định về mức phạt tiền còn mâu thuẫn, nhiều mức phạt chưa đủ sức răn đe.
Với bất cập thứ nhất, theo quy định "Tình tiết tăng nặng" tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: "Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm", nhưng tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 lại quy định: "Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định" và "Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần". Như vậy, với trường hợp bắt quả tang một người có hành vi trộm chó cùng tang vật tại một thời điểm, nhưng thực tế trước đó người này có hành vi vi phạm tương tự tại nhiều thời điểm khác nhau trên nhiều địa bàn cùng một xã thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 hay theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là điều ngành chức năng lúng túng.
Một bất cập nữa là "Tình tiết tăng nặng" quy định tại Điểm l Khoản 1 Điều 10 với điều kiện: "Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn". Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan thẩm quyền cũng chưa có hướng dẫn thống nhất về trị giá hàng hóa vi phạm đến mức nào thì được coi là "lớn" để áp dụng tình tiết này.
Trước thực tế số lượng quyết định xử phạt đã ban hành có sự chênh lệch khá lớn so với số lượng trường hợp đã thi hành (3.900.175 quyết định/3.308.241 trường hợp), bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết, đây cũng là một trong những bất cập bởi thông tin người vi phạm rất khó được kiểm chứng, dẫn đến kẽ hở người bị xử phạt vi phạm hành chính trốn tránh thi hành.
Để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc nêu trên, theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, cần hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm hành chính, trong đó có Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cùng các nghị định liên quan. Cụ thể, cần phân quyền cho các cấp cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo hướng tăng thẩm quyền xử phạt, nhất là ở cấp cơ sở; kịp thời đưa các hành vi vi phạm chưa được quy định vào văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn; tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm gây nguy hiểm; rà soát để thống nhất các quy định nhằm khắc phục chồng chéo trong quy định pháp luật, tránh trường hợp áp dụng sai luật...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.