(HNM) - Trên địa bàn thành phố, hiện có hàng loạt khu đô thị với hàng nghìn căn biệt thự bị bỏ hoang. Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm, trong khi đó những dự án xây dựng khu đô thị quy mô lớn vẫn tiếp tục được cấp phép, ồ ạt thi công và rao bán rầm rộ…
Cảnh hoang tàn tại dự án Ngôi nhà mới. |
Ảm đạm do hạn chế về hạ tầng
Khoảng 10 năm trước, khu vực phía Tây Hà Nội đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của các chủ dự án và nhà đầu tư. Hàng loạt dự án đổ vào khu vực này khiến dọc quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long, đường Lê Văn Lương, Tố Hữu xuất hiện dày đặc các khu đô thị, nhà chung cư…
Nằm trên trục Đại lộ Thăng Long, nhiều dự án lớn như khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn, khu đô thị mới An Khánh, dự án Ngôi nhà mới với hàng nghìn căn biệt thự, nhà liền kề được xây dựng. Tuy nhiên, những hạn chế về hạ tầng giao thông và cơn sốt ảo của thị trường bất động sản nhanh chóng đẩy khu vực này vào tình trạng ảm đạm kéo dài.
Đơn cử, dự án Ngôi nhà mới do Công ty cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới thực hiện. Theo quy hoạch, dự án khởi công năm 2009, quy mô 27,5ha, gồm 258 lô biệt thự đơn lập và song lập với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, nằm tại Km17 thuộc địa bàn huyện Quốc Oai.
Có mặt tại đây chiều 29-7, phóng viên nhận thấy ngoại trừ khu vực cổng có bảo vệ canh gác và một vài ngôi nhà lác đác có người ở, hầu như toàn bộ dự án đều trong tình trạng bị bỏ hoang. Các hạng mục chính của dự án như đường nội bộ, hồ nước, vườn cây... đều chưa hoàn thiện, cỏ cây mọc um tùm, tràn ra cả lòng đường, bò lên tường các ngôi nhà mới xong phần thô. Rất nhiều lô đất bị bỏ không hoặc mới xây dựng xong phần móng, còn trơ sắt thép, gạch mọc rêu. Một số căn biệt thự đã xây dựng xong phần thô nhưng cũng trong cảnh hoang tàn do lâu ngày “dầm mưa dãi nắng”.
Theo chị Thanh - nhân viên một công ty bất động sản có trụ sở ngay trong dự án, phần lớn những lô đất ở đây đã được chủ đầu tư bán. Những năm trước toàn bộ dự án không có người ở. Khoảng hai năm trở lại đây lác đác có những hộ đến hoàn thiện nhà. Đến nay có khoảng trên 30 lô biệt thự có người ở, số còn lại vẫn để không. Cũng vì hạ tầng xuống cấp và sự bất lợi về giao thông do dự án nằm trên tuyến đường gom nội bộ, nhiều nhà đầu tư đã rao “bán tháo” nhiều lô đất với giá khá rẻ, khoảng 15 triệu đồng/m2.
Cách đó không xa, “đại dự án” khu du lịch, vui chơi, giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu (Sài Sơn - Quốc Oai) do Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội làm chủ đầu tư cũng trong cảnh “đóng băng” không lâu sau khi chính thức khởi công tháng 2-2008. Theo quy hoạch, dự án có quy mô trên 18ha gồm sân golf, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại quốc tế, khu biệt thự và khách sạn 5 sao… nhưng đã gần chục năm trôi qua, hàng trăm héc ta “bờ xôi ruộng mật” và những ngôi nhà xây dựng dang dở vẫn trong tình trạng bị bỏ hoang.
Cần sự điều tiết hợp lý
Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển về hướng Tây, dọc theo các trục hướng tâm, trong đó điển hình là trục Đại lộ Thăng Long. Khác với 10 năm trước, hiện hạ tầng giao thông tại khu vực phía Tây đã được hoàn thiện hơn, mở ra diện mạo mới, tạo sự hấp dẫn thúc đẩy thị trường bất động sản phía Tây. Sau khoảng 2 năm hồi phục, các báo cáo nghiên cứu thị trường gần đây cho thấy, phân khúc nhà biệt thự, nhà liền kề, nhà phố… tăng cả về số lượng và giao dịch.
Báo cáo của Tập đoàn bất động sản Savills, trong quý II-2017, tổng lượng giao dịch phân khúc biệt thự, nhà liền kề tại Hà Nội đạt 1.310 căn, tăng 126% so với quý I-2017 và gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2016. Cũng theo báo cáo về thị trường bất động sản của Tập đoàn Tư vấn và quản lý bất động sản Việt Nam, thị trường biệt thự, nhà liền kề, nhà phố đang diễn biến sôi động với hàng loạt dự án mở bán. Trong quý I-2017 đã có tới 1.238 căn biệt thự, nhà liền kề và nhà phố được mở bán từ 6 dự án.
Còn theo các công ty môi giới bất động sản, hiện có hàng nghìn biệt thự, nhà liền kề, nhà phố tại các dự án đang được triển khai như: Thanh Hà Cienco 5, Nhà phố 24h, Roman Plaza… Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là trong khi những dự án mới có nhiều tín hiệu tốt, thì rất nhiều dự án cũ vẫn trong tình trạng “ế ẩm”, hạ tầng ngày càng xuống cấp và hàng trăm, hàng nghìn căn biệt thự, nhà liền kề vẫn tiếp tục số phận "mốc meo" cùng năm tháng.
Tình trạng dự án, biệt thự bị bỏ hoang không chỉ gây lãng phí tiền của của xã hội, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự khi nhiều chủ đầu tư “bỏ mặc” hoàn toàn dự án, biến những căn biệt thự thành nơi trú ẩn của người vô gia cư, các đối tượng trộm cắp… Bên cạnh những giải pháp nhằm giải quyết tình trạng trên, cơ quan quản lý cần thận trọng trong khâu cấp phép các dự án mới nhằm “điều tiết” thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.