(HNM) - Hôm qua, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền. Tại cuộc thảo luận ở tổ trước đó, đại biểu Đỗ Kim Tuyến (đoàn Hà Nội) cho biết:
Có lẽ vì thế nên nhiều đại biểu góp thêm ý kiến nhằm xây dựng một công cụ pháp lý hữu hiệu hơn ngăn chặn nạn rửa tiền ở nước ta. Qua ý kiến của các đại biểu, thấy nổi lên sự lo lắng chung: Nạn rửa tiền ở nước ta đang diễn biến phức tạp ra sao? Và nếu luật được ban hành, liệu có ngăn chặn mức tối thiểu nạn rửa tiền?
Không phải đến bây giờ chúng ta mới biết đến những hiểm họa "di căn" của "căn bệnh" rửa tiền. Trước đó, các tổ chức phòng, chống tội phạm, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã cảnh báo ngay từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Lúc chúng ta "vươn ra biển lớn", cũng là lúc việc chuyển các khoản tiền qua biên giới Việt Nam được thực hiện ngày càng nhiều. Các tổ chức tội phạm quốc tế sẽ luôn tìm mọi cách thực hiện những giao dịch tài chính "bẩn" thông qua buôn bán ma túy xuyên quốc gia hoặc sử dụng nguồn tiền bất hợp pháp vào đầu tư, kinh doanh ở nước ta.
Trên thực tế chúng ta cũng đã phát hiện được một số vụ rửa tiền có quy mô lớn. Điển hình năm 2008 phát hiện một vụ tội phạm đánh cắp tiền từ tài khoản nước ngoài rồi chuyển vào Việt Nam rửa tiền thông qua tài khoản tại hai chi nhánh ngân hành thương mại ở Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng giá trị quy đổi là 7,44 tỷ đồng. Vụ Lê Thị Mai đầu tư tiền từ hoạt động ma túy vào các dự án của Công ty Viet Can Resorts & Plannantion... Tuy nhiên, những vụ rửa tiền bị phát hiện và ngăn chặn chắc chắn chỉ chiếm rất ít so với tổng số các vụ rửa tiền đã được thực hiện tại Việt Nam. Vậy nguyên nhân do đâu?
Theo các chuyên gia kinh tế, việc sử dụng lượng tiền mặt lớn là nguyên nhân chính gây khó khăn trong phát hiện, xử lý tội phạm rửa tiền. Sử dụng nhiều tiền mặt khiến Nhà nước khó quản lý lượng tiền lưu thông, trong khi tội phạm lại liên kết sử dụng tiền mặt, chuyển từ đồng tiền bất hợp pháp sang hợp pháp một cách tinh vi, phức tạp. Ngân hàng Thế giới nhận định: "Việt Nam đang trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền vì hệ thống thanh tra, giám sát, hệ thống kế toán và tìm hiểu khách hàng của các ngân hàng còn kém phát triển; mức độ sử dụng tiền mặt và các luồng tiền không chính thức khá lớn khiến cho việc kiểm soát các giao dịch, thanh toán trở nên khó khăn".
Còn dùng nhiều tiền mặt, còn chấp nhận giao dịch, thanh toán với lượng tiền mặt lớn, sẽ còn nạn rửa tiền. Một số đại biểu Quốc hội đã bức xúc nói: "Tội phạm buôn bán ma túy, tội phạm tham nhũng có thể vác cả bao tải tiền "ném" vào bất động sản, chứng khoán, ta có kiểm soát được không?". Hoặc: "Nếu nền kinh tế vẫn sử dụng tiền mặt như hiện nay, thì luật này chỉ được xây dựng cho hợp với thông lệ quốc tế, làm cho có thôi chứ không thể chống tội phạm rửa tiền được".
Những bức xúc nói trên không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, luật dù có chặt chẽ, nghiêm minh đến đâu, quan trọng vẫn là kiểm tra, giám sát việc thực thi. Bằng chứng là chúng ta đã có quy định phải báo cáo những giao dịch đáng ngờ cho Ngân hàng Nhà nước, nhưng từ năm 2007 đến nay chỉ có 774 báo cáo của 29 đơn vị (chiếm 30% tổng số tổ chức, đơn vị phải báo cáo). Số còn lại, không biết vì lý do gì mà "ỉm" luôn? Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với các biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt, để luật có thể đi vào cuộc sống, quan trọng hơn cả vẫn là ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân chịu sự điều chỉnh của luật. Chỉ khi ý thức được nâng cao, công tác kiểm tra giám sát được thực hiện chặt chẽ thì Luật Phòng, chống rửa tiền cùng với Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng mới tạo thành hệ thống pháp luật có hiệu lực để phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.