Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng ý thức và phát triển hạ tầng!

Nguyễn Đức| 12/03/2015 06:19

(HNM) - Tai nạn giao thông đường sắt diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Đó là khẳng định của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia trong công văn gửi các cơ quan liên quan yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT đường sắt sau khi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng tối 10-3 tại Hải Lăng, Quảng Trị giữa tàu SE5 với một xe tải làm đầu tàu hỏa bung ra khỏi đoàn tàu, ba toa bị trật bánh, lái tàu thiệt mạng…



Nguyên nhân tai nạn vẫn là câu chuyện cũ: Người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ cố tình vượt đường ngang dù đã được cảnh báo tàu hỏa. Điều đáng nói là những vụ tai nạn thảm khốc, "điển hình" như vậy, hầu như năm nào cũng xảy ra. Và người điều khiển phương tiện đường bộ vẫn bất chấp an toàn của chính bản thân, hành khách, cố tình… vượt đường ngang, tranh đường ưu tiên của tàu hỏa.

Để hạn chế tai nạn giao thông đường sắt trong bối cảnh hạ tầng còn nhiều hạn chế, ngày 27-12-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1856/QĐ-TTg về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc và thu được kết quả nhất định. Tuy nhiên, không khó bắt gặp cảnh vi phạm hành lang đường sắt diễn ra ở nhiều nơi. Ý thức người dân còn nhiều hạn chế. Không ít nhân viên gác chắn đường ngang cho biết, khi đóng đường đúng quy định đã bị người tham gia giao thông chửi, có trường hợp còn hành hung với lý do… tàu chưa tới. Đã vậy, đường ngang dân sinh mở tùy tiện khắp nơi, không gác chắn, không cảnh báo, nguy hiểm tiềm tàng. Thậm chí, tại một số nơi, thực hiện Quyết định 1856 của Thủ tướng, cơ quan chức năng đã làm đường gom, dựng gác chắn để đóng đường ngang dân sinh tự phát nhưng bị người dân phản ứng quyết liệt, chính quyền địa phương bất lực, phải mất nhiều tháng vận động, thuyết phục, cưỡng chế mới có thể đóng đường ngang tự phát. Cũng vì hạ tầng đường sắt của nước ta lạc hậu nên tốc độ chạy tàu không cao (50-60km/h), nếu vận tốc chạy tàu lên tới 100-200km/h không hiểu sẽ còn vấn đề gì?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển GTVT đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, từ nay đến năm 2020, tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có để tăng tốc độ tàu khách lên 80km/h-90km/h. Giai đoạn 2020-2030, bên cạnh khai thác hiệu quả đường sắt hiện có; xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt sẽ triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160km/h đến dưới 200km/h), đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350km/h trong tương lai. Chiến lược dài hơi, chưa thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Đó cũng là thời gian để ngành đường sắt, các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương tập trung chấn chỉnh, nâng cao an toàn đường ngang.

Bên cạnh các giải pháp quyết liệt để hiện đại hóa hạ tầng, đóng đường ngang trái phép, xây dựng hệ thống cảnh báo, rào chắn bảo đảm an toàn, cần thiết phải có những giải pháp đủ mạnh để chấn chỉnh, nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Khi và chỉ khi thực hiện song hành cả hai giải pháp mới hạn chế tối đa những vụ tai nạn thảm khốc. Chỉ ưu tiên đầu tư hạ tầng thôi chưa đủ, nhất là trong 10-20 năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng ý thức và phát triển hạ tầng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.