Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng văn hóa tiết kiệm

Nhóm PV Nội chính - Xây dựng Đảng| 22/09/2014 06:07

(HNM) - Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm về một tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí mang tính chuẩn mực.

Bác dặn: "Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân".

Qua 45 năm thực hiện Di chúc của Người, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm luôn được Đảng, Nhà nước chuyển hóa thành nhiều chương trình hành động. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí vẫn đang xảy ra...

Tổ chức cưới tập thể, nét đẹp văn hóa của thanh niên Thủ đô. Ảnh: Nhật Nam


Văn hóa tiết kiệm Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tiết kiệm là một trong bốn đức tính làm nên một con người: "Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/Thiếu một mùa, thì không thành trời/Thiếu một phương, thì không thành đất/Thiếu một đức, thì không thành người". Người quan niệm: "Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới đúng là tiết kiệm". Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào" và "Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần; là một dân tộc văn minh tiến bộ". Người chỉ rõ: "Nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại sẽ thành một số rất to; chớ tưởng tiết kiệm những cái cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi, nước mắt dân nghèo mà ra".

Không chỉ để lại những lời dạy giản dị nhưng hàm chứa chiều sâu tư tưởng về tiết kiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Từ khi ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyệt đối thực hành tiết kiệm, nhất là về thời gian. Người sắp xếp công việc khoa học để vừa lao động, vừa học tập, nghiên cứu. Tinh thần ấy còn hàm chứa trong lời dặn của Người trước lúc đi xa: "Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân"…

PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã xúc động nhận định: "Cả cuộc đời của Người toát lên một sự cống hiến cao cả với một đời sống vật chất chừng mực nhưng tinh thần phong phú. Người sống giản dị. Mọi thứ trong cuộc sống của Người từ nhà ở, phương tiện đi lại, làm việc đến bộ quần áo, bữa ăn... đều đơn giản". Tiết kiệm đã trở thành bản chất văn hóa trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cần xây dựng ý thức trong mỗi người

Những năm gần đây, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được tăng cường trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật phải kể đến là việc cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng, tiết kiệm thời gian, công sức và cơ hội của nhân dân. Ở các tỉnh, thành phố, nhiều ý tưởng sáng tạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được thực hiện, đem lại lợi ích thiết thực.

Tại Hà Nội, từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình số 09-CTr/TU về "Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011-2015". Thực hiện chương trình, trong ba năm đầu Hà Nội đã tiết kiệm trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước được hơn 3.050 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm chi thường xuyên hơn 2.184 tỷ đồng; tiết kiệm vốn đầu tư xây dựng cơ bản hơn 577 tỷ đồng; tiết kiệm thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước hơn 288 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố tiết kiệm chi thường xuyên được trên 462 tỷ đồng. Hà Nội còn đi đầu trong việc chỉ đạo thực hiện việc cưới, việc tang tiết kiệm, văn minh; ứng dụng công nghệ, cải tiến phương thức hội họp… Thành phố cũng đã thu hồi hàng chục dự án chậm triển khai, dự án để đất hoang hóa…

Tuy nhiên, lãng phí vẫn là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Văn hóa tiết kiệm chưa thực sự đi vào nếp nghĩ, việc làm của mỗi người. Phát biểu với cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhận định: "Lãng phí có khi còn nguy hại hơn cả tham nhũng. Lãng phí về tiền bạc còn có thể đo đếm được, còn lãng phí về nguồn nhân lực, về tài nguyên, khoáng sản thì vô cùng lớn". Lãng phí xảy ra ở nhiều lĩnh vực, dưới nhiều hình thức. Một đại biểu Quốc hội nhận định: "Việt Nam chưa thoát nghèo (mới ở mức thu nhập trung bình thấp), vẫn còn đang phải nhận viện trợ của thế giới mà lại có tiếng là nước sính hàng hiệu, "chịu chơi" trên thế giới". Tình trạng lãng phí xảy ra đối với người giàu, nơi khá, nhưng cũng xảy ra với cả người nghèo, nơi còn khó khăn. Ở những tỉnh nghèo, nơi hằng năm nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng, có nơi đến cả nghìn tỷ đồng, lẽ ra phải chú trọng tiết kiệm hơn cả. Nhưng ở đó, lại có những dự án công trình xây xong bỏ hoang, trang thiết bị đắp chiếu, phơi sương… Đó còn là những biểu hiện lãng phí vẫn diễn ra hằng ngày nơi công sở hay trong gia đình. Cán bộ đi ra khỏi phòng nhưng quạt trần, điều hòa, đèn vẫn để nguyên. Lãng phí đáng báo động nhất là lãng phí tài sản công. Trong xây dựng cơ bản, người ta ước tính thất thoát lãng phí lên tới 30-40%...

Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, dần dần hoàn thiện khung pháp lý về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nổi bật là ngày 21-12-2012, Ban Bí thư TƯ Đảng (khóa XI) ban hành Chỉ thị 21-CT/TƯ về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ban Bí thư yêu cầu: "Cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể nhân dân và cán bộ, đảng viên cần xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày và nội dung sinh hoạt hằng tháng của chi bộ, cơ quan, tổ chức...". Năm 2013, Quốc hội thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngày 8-9-2014 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2014-NĐ/CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, quy định: "Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để xảy ra lãng phí, gây thiệt hại phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại…".

Cơ sở pháp lý để tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng đầy đủ. Tiết kiệm cần phải trở thành văn hóa sống hằng ngày trong mỗi cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân, nhưng "mục đích một, biện pháp phải mười". Đòi hỏi đặt ra đối với các cấp, các ngành là phải có biện pháp quyết liệt hơn mới có thể đạt được mục đích này, tạo chuyển biến cơ bản trong văn hóa tiết kiệm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa tiết kiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.