Thấm nhuần Di chúc của Người về “việc cần phải làm trước tiên”, những năm qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong từng tổ chức Đảng.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm tự thân, từ đó không ngừng nâng cao hiệu quả công tác, chất lượng phục vụ nhân dân.
Học tập và làm theo Bác bằng những việc cụ thể
Để thực hiện Di chúc của Người về “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”, một trong những giải pháp căn cốt của đội ngũ cán bộ, đảng viên Thủ đô là đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo đó, đã xuất hiện những mô hình, cách làm hay trong học tập và làm theo Bác.
Từng có nhiều năm làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 9 phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), đồng chí Trần Hạnh Kiểm là Đảng ủy viên phụ trách công tác tuyên giáo của Đảng ủy phường chia sẻ, tôi cùng cán bộ, đảng viên của quận đều đăng ký việc học tập và làm theo Bác gắn với nhiệm vụ được giao.
“Khi học tập và làm theo Bác, bản thân tôi luôn tự soi xem mình học được điều gì và từ đó làm theo Bác ra sao cho hiệu quả, thiết thực. Ngay sau khi học xong chuyên đề hằng năm do quận triển khai, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch làm theo Bác gắn với công việc, chức trách, nhiệm vụ được giao. Vì thế, hiệu quả rõ rệt là ý thức, trách nhiệm cũng như tính tiên phong, gương mẫu chấp hành kỷ luật của mỗi cán bộ, đảng viên của phường Bạch Đằng được nâng lên rõ rệt, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng”, đồng chí Trần Hạnh Kiểm chia sẻ.
Tại quận Bắc Từ Liêm, với suy nghĩ học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể mỗi ngày, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Phú Diễn Nguyễn Thị Thúy Hạnh đã đi đầu trong việc vận động, thành lập 38 mô hình, 7 câu lạc bộ trên địa bàn; vận động ủng hộ các loại quỹ với số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Thị Thúy Hạnh còn vận động nhân dân đóng góp thực hiện xã hội hóa xây dựng văn minh đô thị với số tiền hơn 5 tỷ đồng và hơn 2.000 ngày công để sửa chữa nhà văn hóa, điểm vui chơi. Với những đóng góp trên, đồng chí đã được tặng Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tương tự, nhiều mô hình học tập và làm theo Bác gắn với nhiệm vụ địa phương cũng được triển khai. Nổi bật như quận Long Biên có mô hình “Tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cấp căn cước công dân tại nhà cho những trường hợp bệnh nặng, khuyết tật, khó khăn trong đi lại”. Huyện ủy Đông Anh tổ chức đợt sinh hoạt chính trị thông qua chương trình nghệ thuật về “Chủ tịch Hồ Chí Minh - tên Người sáng mãi” gồm 2 kịch ngắn “Đoàn kết là sức mạnh” và “Đôi mắt sáng” do Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn. Còn Công an thành phố tổ chức đợt sinh hoạt chính trị thực hiện phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” gắn với các nội dung “tự soi”, “tự sửa”, “tự nhận diện” những biểu hiện suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Qua đó góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh; xây dựng hình ảnh Công an Thủ đô vì nhân dân phục vụ.
Tại quận Thanh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai khẳng định, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị của quận. Qua đó góp phần củng cố niềm tin, khơi dậy khát vọng, nỗ lực vươn lên, cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng thời, thúc đẩy việc học tập và làm theo Bác ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần từng bước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội các cấp.
Đẩy mạnh thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Để triển khai hiệu quả Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố; 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy (khóa XVII) gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trên cơ sở đó, Thành ủy Hà Nội xác định phải tạo được đột phá ở ba nội dung. Thứ nhất là đổi mới việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ hai là đổi mới và thể hiện đột phá trong việc "làm theo". Thứ ba là việc nêu gương của cán bộ, đảng viên với yêu cầu chức vụ càng cao, trọng trách càng lớn thì càng phải thực hiện nêu gương.
Thành ủy đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trước hết là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XVII) để khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu "trên trước, dưới sau", "đảng viên đi trước, làng nước theo sau".
Hằng năm, các cấp ủy tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) để xây dựng kế hoạch của tập thể và cá nhân gắn với nội dung Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với các nội dung cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, chú trọng công tác cán bộ, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả; lựa chọn, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý gắn với phòng và chống các biểu hiện: “Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác…” như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra.
Để việc học tập và làm theo Bác gắn với nội dung của Di chúc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, mỗi đơn vị cần lựa chọn những khâu đột phá để tập trung giải quyết, như đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và điều hành công việc, đẩy mạnh cải cách hành chính; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống các biểu hiện “tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi.
Các cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương theo lời Người dặn: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” và “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Đảng bộ thành phố xác định thực hiện nghiêm túc Quy định số 144-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 9-5-2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”.
Cùng với cả nước, Đảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng khóa XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thực hiện Di chúc của Bác là nhiệm vụ thiêng liêng. Do đó, một trong những việc trước tiên người đảng viên cần làm là bảo vệ giá trị Di chúc - văn bản tổng lược những quan điểm toàn diện và sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, tức là bảo vệ giá trị Tư tưởng Hồ Chí Minh. Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên càng hiểu sâu sắc về các giá trị lý luận, thực tiễn chứa đựng trong nội dung Di chúc của Người, đặc biệt là thấm nhuần "việc cần phải làm trước tiên" để nỗ lực cống hiến hơn nữa.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.