Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng văn hóa giao thông

Gia Khánh| 27/06/2022 06:36

(HNM) - Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội vừa đề xuất UBND thành phố Hà Nội thí điểm phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi. Theo đó, tuyến đường này hiện có 5 làn xe mỗi chiều, gồm 2 làn xe ô tô được bố trí sát dải phân cách giữa, tiếp đó là 2 làn xe hỗn hợp và 1 làn xe máy, xe đạp sát vỉa hè. Các làn phương tiện được phân cách bằng vạch sơn và có biển báo hiệu.

Sau khi khảo sát, Sở Giao thông - Vận tải đề xuất 3 làn sát dải phân cách giữa dành cho xe ô tô, 2 làn còn lại dành cho xe máy, xe đạp và xe buýt hoạt động. Ngoài hệ thống biển báo, vạch sơn, Sở đề xuất bổ sung dải phân cách cứng để phân làn phương tiện. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 7-2022. Sau thời gian thí điểm sẽ rút kinh nghiệm, lấy ý kiến nhân dân, xây dựng phương án tổ chức giao thông tối ưu cho tuyến đường Nguyễn Trãi.

Thực tế, giao thông ở Hà Nội cũng như các địa phương khác mang tính hỗn hợp, trên một mặt đường có nhiều loại phương tiện. Trong khi đó, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao nên việc đi lại trên đường rất lộn xộn. Xe máy, thậm chí cả xe đạp có thể đi sang làn đường dành cho ô tô và ngược lại ô tô cũng sẵn sàng lấn làn đường sát vỉa hè, vốn dành cho xe máy, xe đạp. Kiểu lưu thông “điền vào chỗ trống”, không ai nhường ai này có thể thấy ở nhiều tuyến đường, phố chứ không chỉ trên đường Nguyễn Trãi. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông.

Vì vậy, việc phân làn phương tiện là cách mà nhiều chuyên gia giao thông cũng như cơ quan quản lý tính tới. Trước đây khá lâu, với sự hỗ trợ của đối tác nước ngoài, thành phố Hà Nội đã thí điểm phân làn phương tiện trên đường Kim Mã và Đại Cồ Việt. Nhưng sau một thời gian, tình trạng lộn xộn vẫn diễn ra trên những tuyến đường này dù hệ thống biển báo phân chia làn đường cho từng loại phương tiện vẫn còn.

Điều đó có nghĩa, việc tổ chức phân làn mới chỉ là hình thức và mang tính thời điểm, còn lâu dài vẫn phải do ý thức của người tham gia giao thông. Nếu được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, trong thời gian thí điểm phân làn, lực lượng chức năng sẽ hướng dẫn các phương tiện đi đúng phần đường. Song điều quan trọng hơn là khi không có lực lượng chức năng, người điều khiển phương tiện phải hình thành thói quen, chấp hành quy định, đi đúng phần đường của mình.

Nói cách khác, cùng với việc nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý rất cần xây dựng văn hóa giao thông. Đó là ý thức, thái độ của mọi người khi điều khiển phương tiện, là cách thức ứng xử, chấp hành quy định của pháp luật về giao thông, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông. Trong các hành vi ứng xử, trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu. Đây không phải là việc dễ, một sớm một chiều làm được ngay, mà cần phải rèn giũa một cách kiên trì. Việc tổ chức phân làn phương tiện cũng là giải pháp để xây dựng văn hóa giao thông, vì thế cần được duy trì nghiêm, có rút kinh nghiệm nhằm làm tốt hơn, chứ đừng thí điểm dở dang rồi thôi.

Ngoài ra, việc phát triển hạ tầng giao thông, hệ thống đường sắt đô thị để nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng cũng là việc cần thiết. Một đô thị văn minh, hiện đại đòi hỏi diện tích đất dành cho giao thông và tỷ lệ đáp ứng của vận tải hành khách công cộng rất lớn. Chỉ khi hệ thống vận tải hành khách công cộng phát triển mới có thể tính đến việc giảm phương tiện cá nhân vào nội đô, giảm bớt sự lộn xộn do các dòng phương tiện hỗn hợp gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.