(HNM) - Hà Nội có thế mạnh về hàng thủ công mỹ nghệ, với hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, nhưng trên thực tế nhiều sản phẩm khi xuất khẩu lại không mang thương hiệu Việt Nam mà thuộc về quốc gia khác.
Nghề thêu Thường Tín đã được xây dựng nhãn hiệu tập thể. Ảnh: Bá Hoạt |
Chưa ý thức được tầm quan trọng
Hà Nội chiếm 45% tổng số làng nghề truyền thống trong cả nước với khoảng 176.000 hộ làm nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 740.000 lao động tại cơ sở. Thời gian qua, việc duy trì, quảng bá thương hiệu làng nghề đã được các quận, huyện, thị xã quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Điển hình như quận Tây Hồ đã đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ cho phép Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng sử dụng địa danh và xác nhận bản đồ để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Xôi Phú Thượng”. Quận Hà Đông tổ chức gắn thương hiệu lên sản phẩm lụa Vạn Phúc tại Hội làng nghề, đồng thời vận động 5 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia nghiên cứu, sản xuất theo bộ thiết kế logo sản phẩm quà tặng làng nghề lụa Vạn Phúc. Tương tự, huyện Thường Tín đã xây dựng được 2 nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái) và thêu Thường Tín bằng nguồn kinh phí thành phố; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho làng nghề chăn, ga, gối đệm Trát Cầu (xã Tiền Phong) bằng nguồn kinh phí địa phương. Còn huyện Thanh Trì xây dựng website miendong thanhtri.com cho làng nghề bánh đa Phú Diễn (xã Hữu Hòa); website banhchungbanhdaytranhkhuc.com cho làng nghề bánh Tranh Khúc (xã Duyên Hà). Làng nghề bánh Tranh Khúc cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể và có hệ thống mã vạch riêng do Hợp tác xã Tranh Khúc quản lý. Huyện Mê Linh có dự án: “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể hoa Mê Linh, huyện Mê Linh”...
Bà Nguyễn Thị Hà (xã Duyên Thái) chia sẻ, với sự hỗ trợ của thành phố trong việc xây dựng thương hiệu, hiện số lượng tiêu thụ sản phẩm sơn mài của làng nghề cao hơn trước, được nhiều khách hàng trong, ngoài nước biết đến.
Hiệu quả là vậy, song thực tế phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, đa số các cơ sở làng nghề sản xuất nhỏ, hoạt động manh mún, thiếu sự gắn kết nên khó tiếp cận nguồn vốn, cũng như không có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về quản trị thương hiệu. Hầu hết làng nghề, doanh nghiệp làng nghề chưa có bộ phận chuyên trách về thương hiệu, không chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, khiến nguy cơ mất thương hiệu làng nghề của Thủ đô, cũng như cả nước ngày càng hiện hữu.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Theo các chuyên gia, thương hiệu đã trở thành một tài sản của cá nhân, doanh nghiệp, thậm chí là của một quốc gia trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay. Ông Lưu Duy Dần cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc xây dựng thương hiệu. Mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải đầu tư hợp lý cho thương hiệu, vì chính quyền lợi của mình.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề, thời gian qua, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai quy chế hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng và quảng bá thương hiệu từ đào tạo kiến thức về xây dựng, quảng bá, đặt tên thương hiệu cho đến thiết kế biểu tượng, hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm… Đối với các làng nghề đang phát triển mạnh, thị trường tiêu thụ rộng, thành phố sẽ tập trung phát triển những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn và giá trị kinh tế cao; nghiên cứu đổi mới mẫu mã sản phẩm, khuyến khích lan tỏa nghề ra các địa phương; hỗ trợ xây dựng quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để mở rộng mặt bằng sản xuất…
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu; đặc biệt, quan tâm tới việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghiệp 4.0. Sở đã hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề quảng bá sản phẩm trên cổng thông tin điện tử của Sở; kết nối giữa doanh nghiệp với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài qua trang web giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian trao đổi, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến với người tiêu dùng. Về hỗ trợ vốn, thời gian qua TP Hà Nội đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với Cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định, thời gian tới, UBND TP Hà Nội và Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu Việt; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh chống hàng giả, hàng nhái nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, đòi hỏi chính các doanh nghiệp cũng phải chủ động trong tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào đổi mới sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.