(HNM) - Hiện nay, Hà Nội mới đáp ứng được 40% nhu cầu sản phẩm rau, thịt; còn lại phải nhập từ các địa phương khác. Với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ chất lượng các mặt hàng nông sản này, Bộ NN&PTNT triển khai xây dựng chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn giữa các tỉnh với Hà Nội
Cung - cầu không gặp nhau
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), mục tiêu của chương trình này là cung cấp rau, thịt cho Hà Nội bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh cũng như nhận thức về an toàn thực phẩm. Còn theo Sở NN&PTNT Hà Nội, trung bình Hà Nội tiêu thụ 800-1.000 tấn rau quả, 1.000 tấn thịt các loại/ngày nên phải nhập từ các địa phương khác mới đáp ứng được nhu cầu. Hiện tại, Hà Nội cũng đang tích cực làm việc với các tỉnh trong vấn đề phối hợp tiêu thụ sản phẩm. Thực tế cho thấy, quy mô sản xuất ở các địa phương còn nhỏ lẻ nên áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap còn khó khăn. Đặc biệt, đối với thịt, hầu như vẫn phổ biến tình trạng vận chuyển không bảo đảm vệ sinh...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc Bùi Như Ý cho biết, khả năng của tỉnh sản xuất được 102.000 tấn thịt, tiêu thụ nội tỉnh 40%, còn lại xuất đi các tỉnh. Tỉnh có 3.500ha rau, trong đó có 1.300ha rau an toàn, sản lượng 40.000 tấn/năm, tập trung lớn cho Hà Nội. Chương trình chuỗi cung cấp rau, thịt cho Hà Nội là chương trình lớn, kéo dài, nhưng vấn đề đặt ra là tiêu thụ sản phẩm ở đâu và cho ai? Bởi lẽ sản phẩm của người dân vẫn phải bán cho thương lái, chưa có doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu. Hà Nội cũng chưa làm tốt khâu kiểm soát nên còn trở ngại đối với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bảo đảm chất lượng. Đại diện tỉnh Bắc Giang cho rằng, với 15 triệu con gà, 1,2 triệu con lợn, 23.000ha rau, 150.000-180.000 tấn vải thiều/năm, cung cấp chủ yếu cho Hà Nội, nhưng người nông dân cũng không rõ nhu cầu nên chỉ biết sản xuất, còn tiêu thụ hoàn toàn phụ thuộc thị trường. Mặt khác, các sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm cũng chưa đến được người tiêu dùng, dẫn đến cung - cầu không gặp nhau. Ông Vũ Nam Tiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Bình lại than phiền: Hiện các ngành chức năng của tỉnh mới chú trọng phần ngọn, còn phần gốc coi như bỏ ngỏ, dẫn đến phối hợp với Hà Nội trong tiêu thụ cũng khó…
Tránh sản xuất ồ ạt
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, việc cung cấp chuỗi rau, thịt an toàn cho Hà Nội là chủ trương lớn nhằm từng bước kiểm soát sản phẩm "bẩn", không rõ nguồn gốc trên địa bàn thành phố. Để làm được, các tỉnh cần tăng cường trao đổi về khả năng cung ứng sản phẩm an toàn cho Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội sẽ phối hợp với các tỉnh giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình lưu thông hàng hóa để đưa sản phẩm về thuận lợi.
Theo Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân, hiện ở các tỉnh đã xây dựng các chuỗi nhưng chưa hoàn chỉnh, nên việc cung cấp sản phẩm an toàn cho Hà Nội là một cơ hội để nâng cao giá trị. Các tỉnh, thành phố có rất nhiều loại nông sản, thực phẩm, nhưng không thể bán tràn lan cho Hà Nội mà cần xây dựng thí điểm chuỗi có lợi thế của địa phương, chủ động trong việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để nâng cao chất lượng và trao đổi lại với Hà Nội bảo đảm thuận lợi cho kiểm soát.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, năm 2015 được Bộ NN&PTNT chọn là năm an toàn thực phẩm. Bộ đã chọn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh làm điểm xây dựng ban điều phối cung cấp chuỗi rau, thịt an toàn. Tuy nhiên, để Hà Nội kết nối được với các địa phương, vẫn còn chặng đường gian nan. Do đó, Hà Nội và các tỉnh phải tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin cung - cầu, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt. Các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc sản phẩm khi đưa ra thị trường, còn Hà Nội kiểm tra sản phẩm đưa vào thành phố để tiêu thụ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.