(HNM) - Trong 3 năm qua, Chương trình số 02-CTr/TU về
Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên (Hà Nội) Trương Thế Cầu. |
Nâng cao chất lượng cuộc sống
- Ba năm, một khoảng thời gian chưa dài nhưng cũng đủ cơ sở đánh giá bước đầu về hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới. Vậy, với cương vị người đứng đầu cấp ủy địa phương, ông nhận xét gì về độ "ngấm" của chương trình này tại huyện Phú Xuyên?
- Người dân rất phấn khởi khi Trung ương và thành phố đã có nghị quyết, chương trình chuyên đề về nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Định hướng phát triển và những giải pháp thực hiện lộ trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn giúp cho cán bộ và người dân thêm quyết tâm phấn đấu xây dựng con người mới trong bối cảnh của một huyện nông nghiệp gắn với làng nghề. Ba năm qua cơ sở vật chất của địa phương đã được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ nhờ nguồn lực hỗ trợ của thành phố và sự phát huy nội lực của huyện. Bình quân mỗi năm, ngân sách của thành phố và của huyện dành đầu tư xây dựng cơ bản 500-600 tỷ đồng (trước đây chỉ dưới 100 tỷ đồng). Hầu hết trụ sở làm việc của các xã, thị trấn, hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa… được xây dựng đồng bộ. Riêng năm 2013, hơn 35 tỷ đồng được huyện đầu tư đào đắp 7,75 triệu mét khối, cứng hóa 51km đường trục chính nội đồng, yếu tố quyết định tới việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Nền kinh tế của huyện cũng tạo bước đột phá mới, điển hình là thu ngân sách của năm 2013 tăng 80 lần so với 2007.
- Ông có thể cho biết về những kết quả trong thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn?
- Qua rà soát, trên địa bàn huyện còn nhiều hộ chưa được cải thiện về nhà ở, điều kiện sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xóa nhà dột nát cho hộ nghèo. Các xã, thị trấn đã lên kế hoạch huy động nguồn ngân sách địa phương, nhà nước và sự đóng góp của DN cũng như những tấm lòng hảo tâm. Trong một thời gian ngắn, gần 1.000 ngôi nhà đã được sửa chữa, xây mới, giúp cải thiện điều kiện sống cho các hộ nghèo. Một giải pháp nữa được tiến hành đồng thời là đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh (năm 2013, các hộ đã vay gần 195 tỷ đồng). Bên cạnh đó, những chính sách quan tâm, chăm lo các đối tượng chính sách, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội… của thành phố và của huyện đã góp phần giúp đời sống chung của địa phương có những chuyển biến tích cực.
- Xây dựng nông thôn mới không chỉ là đầu tư làm mới một con đường, xây dựng một hay nhiều công trình phúc lợi để bộ mặt của làng, xã khác hơn. Điều quan trọng, cần phải khơi dậy tinh thần tự chủ của người nông dân, có ý thức vươn lên nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng đời sống văn hóa phong phú. Phú Xuyên đã làm được điều này chưa, thưa ông?
- Tính đến năm 2013, chúng tôi có 1 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí, 11 xã đạt từ 10-14 tiêu chí… bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Nhưng cái được lớn nhất theo đánh giá của Đảng bộ huyện là từng bước thay đổi nhận thức và tư duy sản xuất của người nông dân. Thay vì cách thức sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún, kém hiệu quả, người nông dân đã nghĩ tới những "cánh đồng mẫu lớn" để thuận lợi trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Vì lợi ích lâu dài, người dân đã hiến gần 57ha đất nông nghiệp để làm đường. Qua đó có thể thấy, cái đích chương trình xây dựng nông thôn mới nhắm tới không chỉ là giải phóng đôi vai, sức lao động mà còn "giải phóng" tầm nhìn trong sản xuất.
Người nông dân có nhiều cách làm giàu
- Tuy vậy, muốn giúp người dân nâng cao cuộc sống trong điều kiện cơ sở vật chất của một huyện chủ yếu là nông nghiệp thì sự thay đổi về cơ cấu kinh tế cộng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị canh tác chính là yếu tố tiên quyết. Vậy, đã có khác biệt nào của nền nông nghiệp hôm nay so với trước khi thực hiện xây dựng nông thôn mới?
- Phú Xuyên là huyện có truyền thống sản xuất nông nghiệp. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ, chính quyền huyện xác định phải xây dựng một nền nông nghiệp xứng tầm, theo hướng sản xuất tập trung, có hàm lượng chất xám, khoa học công nghệ cao. Để triển khai tư tưởng đó, huyện từng bước thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, tập trung dồn ô đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện dồn và giao ruộng thực địa dự kiến đến ngày 31-12-2013 đạt 9.500/8.600ha theo kế hoạch. Sau khi dồn ô đổi thửa, chúng tôi bắt tay triển khai đề án cơ giới hóa nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện mô hình "gieo mạ khay, cấy bằng máy" để giảm sức lao động, nâng cao thu nhập, đồng thời cũng chuyển cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã có gần 1.000ha thực hiện theo mô hình này. Có địa phương đã triển khai 5 vụ cho kết quả rất tốt. Theo đánh giá, năng suất lúa áp dụng mô hình mạ khay, cấy máy cao hơn phương pháp truyền thống 10-20%. Nhưng quan trọng hơn, thực hiện mô hình này huyện quản lý được giống, có tiền đề đưa giống lúa sản xuất hàng hóa; việc phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc cũng thuận lợi hơn. Từ thành công này, huyện phấn đấu đến năm 2015 toàn bộ diện tích cấy lúa của huyện sẽ áp dụng mạ khay, cấy máy và sử dụng máy gặt đập liên hoàn.
- Muốn làm giàu từ nông nghiệp không chỉ cần mảnh ruộng tốt, kỹ thuật giỏi mà đòi hỏi phải tìm cây, con chủ lực, phù hợp với đồng đất địa phương cùng với đầu ra ổn định. Theo ông, bà con nông dân của Phú Xuyên đã hội tụ các điều kiện cần và đủ?
- Chúng tôi đã nghiên cứu thế mạnh của địa phương, từ đó đã quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh. Vừa qua, một loạt mô hình như nuôi ghép cá tại xã Văn Nhân, nuôi cá rô phi ASTH tại xã Phượng Dực, trồng hoa lan, hoa ly tại xã Quang Trung, Thụy Phú… đã được huyện triển khai; đặc biệt là cây măng tây - một loại cây có giá trị kinh tế cao chính thức được trồng tại xã Hồng Thái sẽ mở ra một hướng đi mới, giúp người nông dân Phú Xuyên làm giàu, đồng thời cũng giúp huyện khai thác gần 1.000ha đất bãi màu mỡ.
- Phú Xuyên còn được biết đến với những làng nghề truyền thống như khảm trai, giày da, mây giang đan… Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, làng nghề có góp phần tăng thêm nguồn lực để xây dựng nông thôn mới?
- Trước đây, các làng nghề, hay nói đúng hơn là lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp của huyện phát triển khá tốt. Giai đoạn gần đây, do tác động suy thoái kinh tế ngấm sâu hơn, thu nhập có kém hơn nhưng khu vực làng nghề vẫn khá bảo đảm. Nhiều sản phẩm vẫn giữ vững, như mây giang đan Phú Túc vẫn bảo đảm đơn hàng sang Châu Âu, Châu Mỹ; các lĩnh vực may mặc, giày da vẫn duy trì sản lượng và doanh số. Năm nay, tổng giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện đã đạt hơn 3.750 tỷ đồng. Hơn nữa, việc xây dựng và triển khai dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội trên địa bàn huyện sẽ mở ra nhiều hướng phát triển cho địa phương trong tương lai.
Cán bộ đổi mới nhận thức và hành động
- Trước yêu cầu của chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô nói chung, nhiều việc khó, chưa có tiền lệ đòi hỏi phương pháp giải quyết khoa học, bài bản, sáng tạo, trong khi trình độ đội ngũ cán bộ của huyện còn một số mặt hạn chế. Theo ông, khâu quan trọng nhất mà Huyện ủy xác định cần tập trung để huyện bắt nhịp với các địa phương, hoàn thành các mục tiêu của thành phố đặt ra, thưa ông?
- Cán bộ chính là cái gốc của mọi công việc. Muốn huyện phát triển, đời sống người dân được cải thiện, mỗi cán bộ phải tự học hỏi và tự đổi mới, lấy hiệu quả công việc làm thước đo. Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ huyện chú ý khắc phục những bất cập trong công tác cán bộ. Cho đến nay, có thể nói chất lượng đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã đã được nâng cao, nền nếp kỷ cương được siết chặt, phương pháp làm việc khoa học hơn. Ví dụ từ việc nhỏ là hội họp: Trước đây, mỗi khi huyện tổ chức hội nghị, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp cơ sở chỉ đến điểm danh đầu giờ, giữa giờ tranh thủ đi làm việc khác hoặc bỏ ra ngoài, nhưng nay đã khác nhiều. Giờ giấc làm việc cũng bảo đảm hơn. Trước đây, buổi sáng cán bộ xã có thể tranh thủ làm việc nhà, chiều mới ra trụ sở làm việc, nay không còn tình trạng đó. Nhận thức, trách nhiệm, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng cao.
- Huyện ủy đã làm gì để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý?
- Đảng bộ huyện đã đổi mới phương pháp, cách thức nhận xét, đánh giá cán bộ. Bắt đầu từ năm 2011, toàn bộ số cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện được đánh giá 2 lần/năm (trước đây là 1 lần/năm) và 1 lần/năm đối với 3 chức danh chủ chốt cấp xã. Thay vì "tự đánh giá, nhận xét, xếp loại", nay mở rộng đối tượng tham gia đánh giá. Cấp xã trực tiếp cho ý kiến nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện; các xã cũng được quyền "đánh giá chéo". Cùng với việc mạnh dạn luân chuyển cán bộ, chuẩn hóa các chức danh, huyện đã đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt theo hướng thiết thực, đi sâu bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, đáp ứng yêu cầu công việc.
Cơ cấu kinh tế của huyện Phú Xuyên có sự chuyển biến tích cực. Năm 2007, CN-TTCN-XDCB là 33,12%; thương mại, dịch vụ 31,75%; nông, lâm, thủy sản 35,13%. Đến năm 2013, tỷ lệ tương ứng là 50,35%-23,19%-26,46%. Thu ngân sách từ hơn 118 tỷ đồng năm 2007, tăng lên gần 1.000 tỷ đồng (tăng hơn 80 lần). Năm 2013, có 1.527 hộ thoát nghèo; thu nhập bình quân đạt 21.715.000 đồng/người/năm. |
Để cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống
- Có thể thấy, lợi ích mà chương trình xây dựng nông thôn mới đem lại rất lớn. Tuy nhiên, theo ông, hiện nay người dân còn băn khoăn điều gì ?
- Thành phố đã đặc biệt quan tâm nên lãnh đạo, chỉ đạo rất sâu sát, trong đó ban hành nhiều chính sách dành cho "tam nông". Kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã thông qua một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012-2016. Những chính sách này được coi là đòn bẩy, tạo sự đột phá cho phát triển nông nghiệp của Thủ đô. Trong đó, người nông dân đánh giá rất cao chủ trương hỗ trợ việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Chính sách đã được ban hành từ lâu song nhiều lĩnh vực người nông dân không thể thụ hưởng. Ví dụ Phú Xuyên đang thực hiện đề án cơ giới hóa đồng ruộng, thành phố có cơ chế hỗ trợ 100% lãi suất trong 3 năm đối với các tập thể, cá nhân khi mua máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy gieo hạt… Tuy nhiên, cách làm với nhiều thủ tục như hiện nay thì người dân lại rất khó tiếp cận. Do đó thành phố cần sớm có biện pháp tháo gỡ.
- Vậy không lẽ chúng ta "bó tay"?
- Để thực hiện được mục tiêu đặt ra, huyện buộc phải mạnh dạn đầu tư. Ví dụ, để triển khai mô hình "gieo mạ khay, cấy bằng máy", riêng một máy trị giá 90 triệu đồng. Nếu cứ chờ người nông dân tiếp cận vốn vay để mua sắm thì rất lâu. Huyện đã quyết định trích ngân sách từ nguồn sự nghiệp nông nghiệp và khuyến nông, tiết kiệm các nguồn chi phí khác để đầu tư cho ra tấm, ra món. Cụ thể, người nào mua máy, huyện hỗ trợ 45 triệu đồng, xã và HTX hỗ trợ 25 triệu đồng, người dân chỉ bỏ 20 triệu đồng. Nhờ sự mạnh dạn này mà huyện đã có 80 máy để thực hiện mô hình. Cách làm như vậy mới khuyết khích được người dân thực hiện cơ giới hóa sản xuất.
- Từ góc nhìn của địa phương, ông có thể đánh giá khái quát kết quả thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội?
- Sau khi triển khai Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp vị thế của huyện Phú Xuyên được nâng cao hơn, tầm vóc lớn hơn cả trong nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân. Tôi tin tưởng sau khi quy hoạch chung của huyện được phê duyệt và tổ chức thực hiện sẽ giúp Phú Xuyên phát triển nhanh, mạnh hơn, xứng đáng là đô thị vệ tinh của Hà Nội.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.