(HNM) - Một mùa xuân mới đã đến! Năm Giáp Ngọ 2014, với Hà Nội là năm "Trật tự, kỷ cương và văn minh đô thị". Siết chặt "kỷ cương đô thị" nhằm xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại trên nền tảng văn hiến ngàn đời của đất Thăng Long - Hà Nội là một yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài.
Trong hàng loạt vấn đề cần đặt ra, cần giải quyết, có một vấn đề mang tính căn bản là xử lý mối quan hệ giữa văn hóa - văn minh, những tác động của nó tới tư duy, cung cách ứng xử của cộng đồng trong đời sống đô thị hiện đại.
Trước hết, văn minh đô thị được định hình và chịu sự ảnh hưởng từ nền tảng văn hóa. Nhiều công trình nghiên cứu đặt tiêu cự trên mối quan hệ giữa văn hóa và văn minh cho thấy: Đô thị ở nước ta hiện nay là một mô hình siêu làng và liên làng bởi nhiều lý do, trong đó, không ít, nếu không muốn nói phần lớn cư dân thành phố vẫn giữ thói quen, nếp nghĩ "tùy hứng" của đời sống thôn dã. Hay nói cách khác, bản chất và tính cách của cư dân nông nghiệp vẫn chi phối mạnh mẽ cách ứng xử của cộng đồng.
Theo nhiều chuyên gia xã hội học, có nhiều đặc tính của cư dân đô thị hiện nay được khởi nguồn từ điều kiện tự nhiên và phương thức sản xuất nông nghiệp đang tác động trực tiếp đến đời sống. Trong đó có tính linh hoạt. Tính linh hoạt có mặt tích cực giúp cho con người ta có thể thích nghi nhanh với điều kiện sống. Ví dụ với vấn nạn nhức nhối ở các đô thị lớn là nạn tắc đường: Nếu không đi được ô tô thì người ta sẽ đi xe máy, nếu không đi được xe máy thì cuốc bộ; lòng đường không còn chỗ thì đi lên vỉa hè, đường lớn tắc thì len lỏi vào đường nhỏ, ngõ ngách... miễn sao tới đích. Tuy nhiên, tính linh hoạt cũng có mặt trái, nhiều cư dân đô thị vẫn ứng xử một cách tùy tiện, thậm chí thiếu tôn trọng pháp luật. Từ đó tác động ngược trở lại đến việc xây dựng văn minh đô thị và thực thi pháp luật.
Thực tế đang có một bộ phận không nhỏ cư dân đô thị vẫn ứng xử theo thói quen, sống bằng "lệ" nhiều hơn "luật". Ý thức về lối sống đô thị, ý thức tôn trọng pháp luật (duy lý) chưa cao cộng với nếp ứng xử trọng tình cảm (duy tình) đã trở thành truyền thống, mang đến hệ quả xấu cho cả cư dân thành phố và những người thực thi pháp luật: Người dân thì "nhờn luật", người chấp pháp lại cả nể, thiếu kiên quyết. Mạnh ai nấy "lách" khiến luật pháp "mất thiêng" dẫn đến vi phạm luật như "chuyện thường ngày". Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn xảy ra hàng ngày, gây bức xúc.
Những xung đột gay gắt giữa thói quen ứng xử cũ và mới, truyền thống và hiện đại, lạc hậu và tiên tiến… là quy luật tất yếu trong tiến trình phát triển của một đô thị. Song, thay đổi nếp nghĩ, cách ứng xử của bộ phận không nhỏ người dân thành phố là hết sức cần thiết để xây dựng một xã hội văn minh trong lòng thành phố văn hiến. Trong xã hội hiện đại, văn hóa ứng xử ngoài đường phố, trên các phương tiện giao thông công cộng phải được coi trọng như văn hóa ứng xử trong gia đình và công sở. Một thành phố Hà Nội văn minh, hiện đại chỉ trở thành hiện thực khi các cơ quan quản lý và người dân Thủ đô xây dựng và thực hiện được những nền nếp giá trị văn hóa mới; đồng thời kỷ cương đô thị phải được duy trì và siết chặt từ việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự đô thị đến thói tùy tiện trong đời sống hàng ngày.
Từ những vấn đề nêu trên có thể nhận định, văn minh đô thị không thể tách rời việc xây dựng những giá trị văn hóa mới và tinh thần thượng tôn pháp luật. Hy vọng, trong năm mới Giáp Ngọ này, các cấp chính quyền Hà Nội sẽ có nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, mọi người dân đồng lòng xây dựng Thủ đô xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, kỷ cương và văn minh, hiện đại hơn xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.