Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nếp sống văn minh từ quy tắc ứng xử ở Thủ đô: Hình thành chuẩn mực văn hóa mới

Nguyễn Thanh| 06/11/2021 06:18

(HNM) - Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với các quy tắc ứng xử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được thành phố Hà Nội tập trung thực hiện trong nhiều năm qua. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân, những chuẩn mực văn hóa mới đã và đang hình thành, giúp bồi đắp môi trường văn hóa giàu nội lực của Thủ đô, đồng thời lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Hệ thống quy tắc ứng xử của Thủ đô Hà Nội ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội. Trong ảnh: Người dân tìm hiểu Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố tại Khu đô thị Gamuda (quận Hoàng Mai). Ảnh Nguyễn Quang

Nếp sống mới văn minh

Là một trong những địa bàn mang đặc trưng “làng lên phố” tại quận Hà Đông, phường Phú Lương nhiều năm về trước còn giữ một số tập tục gây phiền hà, lãng phí. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương Dương Ngọc Thỏa, khi đưa hệ thống quy tắc ứng xử vào đời sống khu dân cư, nhiều nếp sinh hoạt lạc hậu đã được thay thế bởi những quy tắc ứng xử mới. Điển hình như tục mừng thọ đã tổ chức gọn nhẹ, nhưng vẫn giữ gìn nét đẹp truyền thống, được người dân đồng tình thực hiện.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông Phạm Đức Hòa thông tin, nhiều phường của quận đã tích cực triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội với phương thức đa dạng, chú trọng trực quan sinh động. Nhờ vậy, dù là nơi có nhiều nếp ứng xử cũ - mới đan xen, song Hà Đông đang có nhiều chuyển biến tích cực trong hình thành chuẩn mực văn hóa mới.

Tương tự quận Hà Đông, huyện Gia Lâm được biết đến là nơi có nhiều chuyển động trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đơn cử như tổ dân phố Vân (thị trấn Yên Viên) với mô hình “kinh doanh xanh”, sử dụng bao bì từ giấy tái chế và các loại lá thay thế cho túi ni lông trong hoạt động dịch vụ, buôn bán. Ước tính mỗi tháng, mô hình ý nghĩa này của tiểu thương ở phố Vân giúp giảm 20-30kg rác thải nhựa. Bà Nguyễn Hồng Thúy (tiểu thương ở phố Vân, thị trấn Yên Viên) chia sẻ: "Thông qua việc bảo vệ môi trường, chúng tôi đã từng bước hình thành, lan tỏa nếp nghĩ, nếp sống văn hóa mới có trách nhiệm với cộng đồng".

Cùng với những điển hình nêu trên, trên địa bàn thành phố đã có nhiều phong trào tiêu biểu cho công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới. Có thể kể đến các sáng kiến, như: Đưa nội dung quy tắc ứng xử vào hương ước, quy ước làng, xã; gắn quy tắc ứng xử với việc thi đua trong cơ quan, công sở; các mô hình “tổng vệ sinh vào cuối tuần”, “biến bãi rác thành vườn hoa”, “bốt điện nở hoa”, “Kết nối tận tâm - giúp dân mùa dịch”…

Đặc biệt, nếu như Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội, thì Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội cũng đang thổi làn gió mới nơi công sở thông qua nhiều mô hình hay, sáng tạo. Có thể kể đến, Thành đoàn Hà Nội với mô hình “Văn phòng xanh - cơ quan xanh”; quận Nam Từ Liêm triển khai 10 nguyên tắc và quán triệt “ba không” trong ứng xử nơi công sở, gồm: Không để chậm trễ hồ sơ, không gây sách nhiễu phiền hà, không để người dân đi lại nhiều lần…

Nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo

Tranh tường tại nhiều tuyến phố trên địa bàn quận Thanh Xuân đã góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị, ngăn ngừa hành vi xả rác nơi công cộng.

Là trung tâm văn hóa lớn của đất nước, mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh luôn được Thủ đô coi trọng, kiên trì thực hiện, góp phần hình thành những chuẩn mực văn hóa mới trên nền tảng văn hóa truyền thống.

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Ngô Văn Nam khẳng định, sự ra đời của hệ thống quy tắc ứng xử đang thúc đẩy việc hình thành chuẩn mực văn hóa mới từ công sở đến cộng đồng xã hội. Phát huy kết quả đạt được, bên cạnh việc khích lệ, động viên, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, đồng thời phát hiện, xử lý vi phạm, tích cực nêu gương điển hình.

Trao đổi vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho hay, các cấp bộ Đoàn Thủ đô sẽ sử dụng mạng xã hội là kênh thông tin tuyên truyền chủ lực để nâng cao hiệu quả vận động đoàn viên thanh niên, góp phần tiếp tục đưa hệ thống quy tắc ứng xử vào đời sống. Đơn vị cũng dự kiến tổ chức các cuộc thi để tuyên truyền các quy tắc ứng xử của thành phố; triển khai công trình nhà phân loại rác thân thiện ở các địa phương; mã hóa dữ liệu “Địa chỉ đỏ” phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên Thủ đô... Còn theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hình thức in, phát tờ rơi, sổ tay quy tắc ứng xử; tọa đàm, hội thi, nói chuyện chuyên đề để chia sẻ mô hình, kinh nghiệm hay nhằm nhân rộng ra các xã, thị trấn.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” nhấn mạnh, từ cấp thành phố tới cơ sở cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền và thực hiện hệ thống quy tắc ứng xử; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, coi đây là giải pháp trọng tâm để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển văn hóa và con người Hà Nội thực sự tiêu biểu, xứng đáng với vị thế, tầm vóc của Thủ đô và tình cảm, mong đợi của nhân dân cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nếp sống văn minh từ quy tắc ứng xử ở Thủ đô: Hình thành chuẩn mực văn hóa mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.