Thị trường

Thị trường hàng hóa rung lắc trong phiên giao dịch đầu tháng 5

Lam Giang 02/05/2025 - 09:31

Thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục rung lắc trong phiên giao dịch đầu tháng 5.

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa, chỉ số MXV-Index nối dài đà suy yếu sang phiên thứ 4, đánh rơi gần 0,1% xuống 2.159 điểm.

thi-truong-hang-hoa-gia-ca-phe-2.5.png

Thị trường hàng hóa nhóm nguyên liệu công nghiệp suy giảm. Nguồn: MXV

6/9 mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp đồng loạt giảm giá, dẫn dắt xu hướng suy yếu của toàn thị trường.

Trong đó, cà phê chứng kiến đà giảm giá mạnh khi áp lực tỷ giá đè nặng lên thị trường Brazil. Chốt phiên, giá cà phê Arabica hợp đồng tháng 7 đánh mất 4,02%, xuống còn 8.480 USD/tấn; trong khi cà phê Robusta hợp đồng tháng 7 trên sàn London lao dốc 4,53%, chốt ở mức 5.126 USD/tấn.

Tỷ giá USD/Real trong ba phiên gần nhất đã tăng tới 7,3%.

Tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu hạ nhiệt sau thông tin hai nước đang tiến hành đàm phán về thuế quan cùng với chỉ số sản xuất của Mỹ trong tháng 4 giảm ít hơn dự kiến đã củng cố đà tăng của chỉ số DXY (thước đo giá trị USD với ngoại tệ).

Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại khu vực Tây Nguyên ngày 2-5 dao động trong khoảng 128.600 – 129.200 đồng/kg, giảm 2.600 đồng/kg so với ngày hôm qua.

thi-truong-hang-hoa-gia-dau-2.5.png

Thị trường hàng hóa nhóm năng lượng khởi sắc. Nguồn: MXV

Theo ghi nhận từ MXV, đà giảm của thị trường dầu thô thế giới kéo dài ba phiên liên tiếp đã tạm dừng, khi lực mua quay lại trong bối cảnh căng thăng giữa Mỹ và Iran được xoa dịu.

Kết thúc phiên, giá dầu Brent tăng 1,75% lên 62,13 USD/thùng, còn dầu WTI cũng nhích 1,77% lên 59,24 USD/thùng, dù vẫn chưa lấy lại mốc 60 USD/thùng.

Triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu có phần tích cực hơn khi xuất hiện thông tin Mỹ chủ động tiếp cận Trung Quốc để thúc đẩy đối thoại về một thỏa thuận thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, các chỉ số mới nhất lại đang cho thấy "sức khỏe" không tốt của nền kinh tế Mỹ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại Mỹ giảm lần đầu tiên trong vòng ba năm, chỉ số PMI (đo mức độ hoạt động sản xuất và dịch vụ) tháng 4 của nhóm ngành sản xuất đã không tăng như kỳ vọng… đã kìm hãm đà tăng giá dầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường hàng hóa rung lắc trong phiên giao dịch đầu tháng 5

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.