Nhiều tổ chức, đơn vị tham gia đóng góp ý kiến (HNM) - Hội thảo về chế định Chính phủ và chính quyền địa phương trong Hiến pháp, phục vụ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã được Bộ Nội vụ phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 8-3, tại Hà Nội.
Những vấn đề liên quan đến vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, phân công quyền lực cho Chính phủ… đã được các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đề cập. GS.TS Phạm Hồng Thái (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề nghị: Hiến pháp chỉ nên quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, không cần phải quy định "là cơ quan chấp hành của Quốc hội". Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu. Tại hội thảo, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để thúc đẩy cải cách cơ bản tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, có hiệu lực, hiệu quả; phân công, phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau để phát huy vai trò tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương…
*Ngày 8-3, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến Chủ tịch Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng Dự thảo đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản của chế độ ta về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Dự thảo đã cơ bản đáp ứng được ý chí, nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với tình hình hiện nay; cơ bản bảo đảm để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài. Từ góc nhìn đại đoàn kết toàn dân tộc, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; phương thức thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị... Bên cạnh các vấn đề về chế độ chính trị, bộ máy nhà nước, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về những nội dung liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo vệ Tổ quốc; Hội đồng Hiến pháp... Đáng chú ý là những góp ý về Điều 57, Điều 58, liên quan đến vấn đề quản lý đất đai, thu hồi đất nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... bảo đảm công khai, minh bạch, tránh kẽ hở; bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
*Cùng ngày, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức hội nghị góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí cao với Dự thảo. Dự thảo gồm 11 chương, 124 điều, giảm 1 chương, 23 điều so với Hiến pháp 1992; vị trí của các chương, điều, khoản ngắn gọn, rõ ràng, tiến bộ hơn nhưng vẫn kế thừa được toàn bộ tư tưởng chủ đạo của Hiến pháp năm 1992. Về chế độ chính trị, Dự thảo khẳng định thể chế của Nhà nước ta là Cộng hòa XHCN Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ (Điều 1). Đa số ý kiến đều cho rằng quy định như trên là phù hợp với tính chất của Nhà nước và phù hợp với đường lối đối nội, đối ngoại của đất nước.
*Ngày 8-3, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo các nội dung liên quan đến quy định về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tiến sỹ Bùi Ngọc Thanh nhận xét, ngoài các chủ thể đã được đề cập trong Hiến pháp 1992 và Dự thảo sửa đổi bổ sung như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội... còn một chủ thể quan trọng đó là Đoàn đại biểu Quốc hội (của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) chưa được nói tới ở chế định về Quốc hội. Tiến sỹ Bùi Ngọc Thanh đề nghị nên có một điều riêng hoặc một khoản trong Điều 84 của Dự thảo. Bàn về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội tại Điều 84, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi đánh giá khoản 3, Điều 84, Hiến pháp hiện hành quy định "Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" là đầy đủ, ý nghĩa. Trong Dự thảo sửa đổi quy định "Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", theo đại biểu, như vậy là quá chi tiết và không đầy đủ. Có ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về quyền lập pháp để bảo đảm vai trò của Quốc hội trong thực thi quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.