Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn

Hoàng Quyên| 31/12/2021 08:59

(HNMO) - Sáng 31-12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI (gọi tắt là Đại hội Hội Nhà báo lần thứ XI) chính thức diễn ra tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Đại hội. Ảnh: Tuấn Đức, Minh Quyết - TTXVN

Tới dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (khóa X) Lê Quốc Minh; cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, các nhà báo lão thành, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ và hơn 500 đại biểu.

Về phía thành phố Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong tham dự Đại hội.

Đại hội vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội. Ảnh: TTXVN

Xây dựng tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng vững mạnh

Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, Đại hội được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cả hệ thống chính trị đang tích cực tạo ra nhiều bước phát triển quan trọng về mọi mặt, phát huy những thành quả của quá trình đổi mới, hướng tới dấu mốc năm 2030 nhân 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và dấu mốc năm 2045 kỷ niệm 100 năm lập quốc.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: TTXVN

Đánh giá hoạt động báo chí trong thời gian qua, đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, trong nhiệm kỳ qua, tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm. Hoạt động báo chí của nước ta trong bối cảnh đó cũng đối mặt nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần và sứ mệnh cống hiến cao cả, với truyền thống vẻ vang của những người làm báo cách mạng qua gần một thế kỷ, đội ngũ người làm báo cách mạng nước ta, tập hợp dưới mái nhà chung là Hội Nhà báo Việt Nam, đã nỗ lực phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

“Trong khó khăn, thử thách mới, đội ngũ những người làm báo cả nước càng thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, vì một nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cũng nêu, Đại hội lần này có nhiệm vụ đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam; kiểm điểm đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TƯ của Ban Bí thư TƯ Đảng (khóa IX) về “Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”, triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TƯ ngày 8-4-2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”. Đại hội còn có nhiệm vụ hết sức quan trọng là bầu Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Những nội dung thảo luận tại Đại hội và những nhiệm vụ, giải pháp do Đại hội đề ra sẽ có ý nghĩa thiết thực góp phần xây dựng tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng vững mạnh, thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, chủ động hội nhập với báo chí khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thực hiện tốt phương hướng “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển"

Trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, những năm qua, báo chí nước ta phát triển mạnh cả về quy mô, loại hình, công nghệ, số lượng, chất lượng, hiệu quả xã hội. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có trên 830 cơ quan báo chí thuộc bốn loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử.

Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành khóa X trình Đại hội XI.

Các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; là diễn đàn tin cậy của nhân dân, là kênh thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội. Báo chí đã tích cực, chủ động, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và quốc tế; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội. Báo chí là lực lượng chủ lực, đi đầu trong tuyên truyền phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội X, đồng chí Hồ Quang Lợi cho biết, Hội tiếp tục thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí; đẩy mạnh tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt Đề án báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, tổ chức tốt Giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành.

Hội thường xuyên đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, người làm báo, trong nhiệm kỳ qua, đã tổ chức hơn 500 lớp tập huấn, bồi dưỡng trên cả nước nhằm bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên, người làm báo. Hội cũng không ngừng củng cố hoạt động, tăng cường các hoạt động đối ngoại, tham gia xây dựng chính sách kinh tế báo chí…

Bên cạnh những thành tựu, Hội cũng nghiêm túc nhìn nhận những mặt còn hạn chế trong nhiệm kỳ qua. Đó là: Một số tổ chức hội vẫn chưa thực sự chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp nên một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu tinh thần trách nhiệm, dẫn đến những vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Một số tổ chức hội thiếu năng động sáng tạo, chưa tập hợp và thu hút được hội viên, chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát, công tác thi đua khen thưởng còn hình thức. Một số cấp hội, cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ; một bộ phận hội viên chưa đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông kỹ thuật số…

Báo cáo chính trị của Hội Nhà báo Việt Nam cũng đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới sau khi đã đánh giá thuận lợi, khó khăn và khuynh hướng phát triển báo chí trong bối cảnh mới, đặc biệt là sự ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đó, trong nhiệm kỳ 2020-2025, báo chí Việt Nam sẽ tập trung tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ảnh toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng nêu bật những thành tựu của đất nước, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, xây dựng hệ thống tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tích cực bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp và các quyền lợi chính đáng của người làm báo, hội viên; nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ Hội từ Trung ương đến các cơ sở…

Đóng góp ý kiến tại Đại hội, các đại biểu cũng tham gia trình bày nhiều tham luận về những vấn đề “nóng” của báo chí hiện nay. Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam Đồng Mạnh Hùng nêu ý kiến về tầm quan trọng của việc báo chí cần phải thích ứng công nghệ để phát triển bền vững, thu hút độc giả trong thời đại công nghệ 4.0. Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh Trần Trọng Dũng lại nêu vấn đề cần phải phát triển đội ngũ phóng viên trẻ, năng động bằng cách tạo điều kiện xây dựng, phát triển các câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành.

Phát huy hơn nữa vai trò của Hội Nhà báo trong tình hình mới

Đánh giá lại hoạt động báo chí trong thời gian qua, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, Đảng và Nhà nước ta vui mừng trước sự trưởng thành, vững vàng của đội ngũ báo chí cả nước, ngày càng nâng cao về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đã và đang nỗ lực từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo. Nội dung thông tin trên báo chí càng toàn diện, đa dạng, phong phú hơn; chất lượng chính trị, giá trị văn hóa trong các tác phẩm báo chí không ngừng được nâng cao, hoàn thành tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng đánh giá, nhiều cơ quan báo chí, nhà báo đã tích cực phản ánh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng với nhiều cách tiếp cận đa dạng, chính xác, góp phần phát hiện sai phạm, tạo sức mạnh dư luận, hỗ trợ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. 

Đặc biệt, hai năm qua, trước những diễn biến phức tạp, thách thức chưa từng có của đại dịch Covid-19, đội ngũ người làm báo đã có mặt trên tuyến đầu chống dịch, kịp thời thông tin, cổ vũ những việc làm cao đẹp của lực lượng tuyến đầu phòng, chống đại dịch.

Thường trực Ban Bí thư cũng đánh giá, nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã chú trọng đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; tích cực thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; coi trọng giáo dục truyền thống của báo chí cách mạng, của Hội Nhà báo Việt Nam và các nhà báo tiền bối. Hoạt động của Hội chuyển biến tích cực; phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, xác định trọng tâm công tác từng năm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ báo chí và đạo đức nhà báo có bước tiến bộ...

Bên cạnh những thành tựu, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng thẳng thắn đánh giá những mặt hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động báo chí và công tác của Hội Nhà báo thời gian qua. Đó là: Một số cấp hội, cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ; một số cơ quan báo chí, một bộ phận những người làm báo xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu trách nhiệm, thậm chí từ chối chức năng định hướng, giáo dục của báo chí, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, làm suy giảm vai trò, uy tín của báo chí… Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn; một số tổ chức hội thiếu năng động, sáng tạo. Công tác nhân sự, quy hoạch cán bộ Hội còn thiếu chủ động; chưa kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm của hội viên. Cơ quan Trung ương Hội vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót trong sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng đoàn kết nội bộ...

Từ những đánh giá này, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. Đó là: Hội Nhà báo cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của mình là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; mỗi cấp bộ hội, cơ quan báo chí, người làm báo trước hết hãy học và noi gương Bác - một nhà báo lớn - về phong cách và đạo đức làm báo, phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”.

Để đáp ứng yêu cầu hoạt động báo chí trong điều kiện mới, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp bộ hội chủ động phối hợp với cơ quan liên quan, tập trung triển khai, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho hội viên. Các cấp bộ hội phải chủ động phối hợp với cơ quan liên quan, tập trung triển khai, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho hội viên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.