Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh

Gia Khánh| 17/10/2022 06:28

(HNM) - Tổng cục Thống kê vừa đưa ra một con số tích cực. Đó là trong quý III-2022, có 74,6% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định so với quý II-2022 (38,6% đánh giá tốt hơn, 36% đánh giá ổn định). Khoảng 25,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn, chủ yếu do ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu và thu hẹp thị trường tiêu thụ. Dự báo quý IV-2022 khả quan hơn quý III-2022 khi có 82,6% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị tốt hơn và giữ ổn định (48,7% tốt hơn, 33,9% giữ ổn định). Tỷ lệ doanh nghiệp dự báo khó khăn giảm còn 17,4%.

Niềm tin của doanh nghiệp xuất phát từ một môi trường đầu tư, kinh doanh đang ngày càng cải thiện. Đảng, Nhà nước luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, trợ giúp khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận cơ hội đầu tư, kinh doanh. Đó cũng là bằng chứng rõ nhất cho thấy, những chính sách bảo vệ doanh nghiệp trước tác động của dịch Covid-19 thông qua các gói tài khóa (miễn, giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất vay vốn, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động…) đã tiếp thêm nguồn lực, giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua thử thách, đóng góp cho nền kinh tế nước nhà phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp phải những bất cập về chính sách; vẫn còn những “chi phí không chính thức”; vẫn còn phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp đến cơ quan chức năng chậm giải quyết, khiến doanh nghiệp lỡ cơ hội đầu tư, kinh doanh, thậm chí là phá sản. Điều đó có nghĩa dư địa cho cải cách, đổi mới, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng vẫn còn. Mà trong bối cảnh nền kinh tế còn chịu nhiều bất lợi, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tiếp cận cơ hội có thể coi là một trong những động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Doanh nghiệp cần nhất là được hỗ trợ về thể chế, chính sách, về môi trường kinh doanh. Do đó, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, công bằng, minh bạch phải là mục tiêu không có điểm dừng của các cấp, ngành. Muốn vậy, các cấp, ngành, từ người đứng đầu đến từng cán bộ, công chức cần quyết liệt đổi mới tư duy, thực sự coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ; loại bỏ những quy định gây phiền hà, cản trở doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, không phát sinh “giấy phép con”, bởi đó không chỉ là “rào cản” doanh nghiệp làm ăn mà còn là “rào cản” nền kinh tế phát triển.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn, các chính sách hỗ trợ sâu sát và hiệu quả hơn; các quy định pháp luật trở nên đơn giản, dễ nắm bắt, thực thi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ. Thực tế, chính sách hỗ trợ nhưng doanh nghiệp không thể đáp ứng điều kiện thì chính sách cũng không thể thực thi. Bên cạnh những quy định khắt khe, vô lý, thì quy định mơ hồ, nhiều cách hiểu cũng gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) và tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu được tổ chức ngày 12-10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định thông điệp của Đảng, Nhà nước là bảo vệ những doanh nhân kinh doanh chân chính. Bảo vệ doanh nghiệp chân chính là kiên quyết xử lý những doanh nghiệp có hành vi sai trái, làm mất uy tín nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng. Để bảo vệ doanh nghiệp, quy định pháp luật cần rõ ràng, dễ thực thi, dễ tuân thủ, giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển, góp phần đưa nền kinh tế phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.