(HNM) - Căn cứ vào Quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Hà Nội đang tập trung đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng mạng lưới bến xe theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại.
Thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng mạng lưới bến xe theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại.Ảnh: Anh Tuấn |
Tốt nhưng chưa đủ...
Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh đi và đến Hà Nội chủ yếu thông qua 5 bến xe (BX): Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Yên Nghĩa và Nước Ngầm. Mặc dù được đánh giá đáp ứng khá tốt nhu cầu đi lại của người dân, song trước sức phát triển “nóng” của quá trình đô thị hóa, một số BX lâm vào tình trạng quá tải, đặc biệt vào dịp lễ, Tết. Trước tình hình đó, UBND thành phố, Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) Hà Nội và các đơn vị quản lý, khai thác bến xe đã nỗ lực đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, điều hành nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Điển hình là BX Mỹ Đình từng nhiều năm bị đánh giá là “điểm nóng” quá tải, mất an ninh trật tự nhưng kể từ năm 2014 đã được đầu tư mở rộng diện tích thêm 1,3ha, nâng công suất từ 900 lượt xe/ngày lên 1.700 lượt xe nên đã đáp ứng được yêu cầu. Đầu năm 2017, thành phố đã điều chuyển luồng tuyến giữa các BX trên địa bàn, giúp hạn chế tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông trong đợt cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán vừa qua.
Nhằm xây dựng BX ngày càng văn minh, hiện đại, các bến Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát... đều được trang bị hệ thống camera giám sát giúp kiểm soát xe ra vào cổng, đi lại trong bến; taxi, xe ôm được bố trí đón trả khách ở khu vực đường riêng; lắp đặt các điểm phát wifi miễn phí phục vụ hành khách; tăng cường khâu soát vé nhằm loại bỏ tình trạng “cò mồi” tranh giành khách; hàng rong trong các bến cũng giảm đáng kể... Những nỗ lực này được đông đảo hành khách ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, về lâu dài, mạng lưới bến, bãi đỗ xe của Hà Nội vẫn cần quy hoạch và đầu tư xứng tầm.
Ưu tiên ngoài đường Vành đai 4
Xe chờ đón khách tại Bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Anh Tuấn |
Các cơ quan chức năng tính toán, đến năm 2030, nhu cầu vận tải hành khách giữa Hà Nội với các tỉnh đạt khoảng 1,4 triệu lượt khách/ngày - đêm; giữa các khu vực thông qua Hà Nội đạt khoảng 0,3 triệu lượt khách/ngày - đêm.
Theo đồ án Quy hoạch GT-VT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 22 BX khách liên tỉnh. Trong đó khu vực phía Bắc sông Hồng có 4 bến (1 bến cũ và 3 bến mới); khu vực phía Nam sông Hồng có 7 bến (4 bến cũ và 3 bến mới); khu vực đô thị vệ tinh xây dựng 8 bến mới. Ngoài ra, còn 3 BX quy hoạch cho giai đoạn trung hạn để giải quyết tình trạng quá tải của các BX hiện hữu, nằm ở khu vực ngoài đường Vành đai 3. Các BX đang nằm ở nội đô như Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình... tùy vào quá trình phát triển đô thị và xây dựng đường sắt đô thị sẽ được cải tạo, nâng cấp để phục vụ vận tải hành khách công cộng nội đô và hỗ trợ các BX liên tỉnh mới.
Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, giai đoạn 2011-2012, Transerco đã chủ động khảo sát, đề xuất nghiên cứu lập dự án đầu tư 4 BX khách tại cửa ngõ Thủ đô (các huyện Thường Tín, Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh). Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, kết quả khảo sát thực địa và đề xuất của liên ngành, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận giao Transerco nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng 3 BX khách liên tỉnh tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín (BX khách phía Nam); xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm (BX khách phía Đông); xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức (BX khách phía Tây).
Ngày 18-4 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết BX khách liên tỉnh kết hợp điểm đầu cuối xe buýt phía Đông, tỷ lệ 1/500 tại xã Cổ Bi. Đây là bước đi quan trọng để Tổng công ty Transerco đầu tư xây dựng, phấn đấu đưa BX vào vận hành trong năm 2018; phục vụ nhu cầu đi lại các tỉnh phía Đông và Đông Bắc gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh; đồng thời, đảm nhận một phần lưu lượng vận tải theo hướng Bắc, thông qua các tuyến quốc lộ 1A, 2, 3 (điều tiết từ BX Mỹ Đình); một phần lưu lượng vận tải theo hướng phía Nam thông qua quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh… Đối với các BX còn lại, Transerco sẽ triển khai phù hợp với tiến độ các dự án hạ tầng của thành phố (đường Vành đai 4, các tuyến buýt, các tuyến đường sắt kết nối...).
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết, cùng với việc cải tạo, nâng cấp các BX hiện có, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ lập đồ án quy hoạch BX, bãi đỗ xe. Đồ án này sẽ cụ thể hóa các bến, bãi đỗ xe đã đề cập trong các quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch GT-VT. Danh mục đầu tư được đề xuất trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch được duyệt, thuận lợi về mặt bằng (đã có mặt bằng sạch hoặc không gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng), có khả năng kết nối thuận tiện với hệ thống hạ tầng giao thông khu vực, ưu tiên phát triển các BX ngoài Vành đai 4… Cùng với nguồn vốn ngân sách, thành phố sẽ kêu gọi xã hội hóa nguồn lực đầu tư các dự án bến, bãi đỗ xe.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu UBND TP Hà Nội rà soát tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật; trong đó, lưu ý Quy hoạch GT-VT đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, chú ý các không gian ngầm; tập trung đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối khu vực nội đô với khu vực ngoại thành và các đô thị vệ tinh; đầu tư xây dựng các nút giao thông kết nối các bến xe, bãi để xe; xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể, có cơ chế huy động các nguồn vốn, nhất là nguồn lực xã hội hóa... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.