(HNM) - Một trong những nhiệm vụ quan trọng nửa đầu năm 2017 của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nội là tập trung tổ chức thành công Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội lần thứ XII, tạo nền tảng xây dựng Hội mãi là
- Đến thời điểm này, kế hoạch tổ chức Đại hội đã được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
- Việc chuẩn bị cho Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã sẵn sàng. Các văn kiện, Báo cáo chính trị, Điều lệ sửa đổi, công tác nhân sự… hầu như đã hoàn tất, chỉ chờ tổ chức xong Đại hội Hội Nhà văn - Đại hội cuối cùng trong chuỗi đại hội 9 ngành VHNT trong Hội Liên hiệp - là chúng tôi sẽ xin ý kiến thành phố chính thức ra quyết định cho tổ chức Đại hội Hội Liên hiệp. Nhân sự của Ban chấp hành khóa tới dự kiến có nhiều gương mặt mới, trẻ hơn bên cạnh một tỷ lệ kế thừa hợp lý và đủ năng lực bảo đảm tốt hơn các hoạt động Hội thời gian tới, đáp ứng ngày càng cao hơn mong mỏi của công chúng Thủ đô về việc có những tác phẩm hay.
Công chúng xem triển lãm ảnh do Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội tổ chức. Ảnh: Thái Hiền |
- Để phát huy tốt vai trò, nâng cao chất lượng hoạt động, định hướng sáng tạo và thực sự là "mái nhà chung", tập hợp văn nghệ sĩ lao động và cống hiến, Hội Liên hiệp VHNT Thủ đô xác định những khó khăn, thách thức nào?
- Khó khăn, thách thức lớn nhất đối với mỗi văn nghệ sĩ vẫn là đối mặt với sự mênh mông trước tác phẩm mình đang dự định sáng tác. Làm sao để nói được hết những điều thực sự có ích cho xã hội, cho cộng đồng. Làm sao để những điều ấy được độc giả, khán giả đón nhận và còn lưu giữ lại được lâu dài trong lòng công chúng. Chúng tôi rất mong thành phố tạo nhiều điều kiện hơn để việc tổ chức sáng tác, đi thực tế và đầu tư cho hội viên được thuận lợi hơn.
Đối với trí thức, không gì quý bằng việc mọi năng lực sáng tạo được đánh giá đúng mức, được xã hội trọng thị, được tận dụng và phát huy hết hiệu quả để phục vụ cho tiến bộ xã hội, cho việc nâng cao đời sống tinh thần công chúng Thủ đô và cả nước. Lãnh đạo thành phố đã và đang ngày càng đạt tới sự gắn bó và cảm thông sâu sắc với giới văn hóa - văn nghệ cũng như với tầng lớp trí thức khoa học kỹ thuật; từ đó đã phát huy được vai trò tư vấn và phản biện xã hội rộng rãi của trí thức văn nghệ sĩ cũng như trí thức khoa học kỹ thuật trong đóng góp xây dựng Thủ đô trên nhiều bình diện.
- Vậy có nhiều đầu việc cần đến sự hỗ trợ từ lãnh đạo và các nhà quản lý, thưa ông?
- Thứ nhất, việc “đặt hàng” của Nhà nước đối với các tác phẩm, công trình văn hóa làm đẹp Thủ đô tuy đã có cơ chế, nhưng chưa phát huy được hết tác dụng, cần có sự quan tâm sâu sát, cụ thể hơn. Thứ hai, Giải thưởng Thăng Long để động viên và khích lệ các thành tựu có ý nghĩa ở tầm thành phố, khá có uy tín, tuy đã tiến hành được hai lần trong những năm 90 của thế kỷ trước, sau lại ngừng, cũng là điều nên quan tâm xem xét lại. Thứ ba, cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động của cả hai Hội: Liên hiệp Khoa học kỹ thuật và Liên hiệp VHNT của Thủ đô còn quá khiêm tốn và chắp vá, nếu có thể được đầu tư đồng bộ và hiệu quả hơn (đầu tư một lần để sử dụng lâu dài) cũng là rất quý giá...
- Bên cạnh đó, sự quan tâm hỗ trợ từ cộng đồng xã hội cũng vô cùng quan trọng...?
- Điều văn nghệ sĩ thường mong đợi nhất, là làm sao để mức hưởng thụ văn hóa và thị hiếu hưởng thụ văn hóa của công chúng Thủ đô phải được tiếp tục nâng cao hơn nữa, được phổ cập rộng rãi hơn nữa. Điều đó chỉ có thể đạt được khi có sự quan tâm và tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị cũng như các trường học, từ cấp phổ thông lên đến đại học.
- Ông kỳ vọng gì về những đóng góp của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội trong thời gian tới?
- Các hoạt động sáng tạo luôn được kỳ vọng có tác động tích cực trong gìn giữ và phát huy các giá trị tinh thần truyền thống, góp phần xây dựng và tôn vinh con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, vừa bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc, vừa sẵn sàng tư thế khi bước vào quá trình hội nhập quốc tế. Nhưng sự rèn luyện và giáo dục thế hệ trẻ trong một thế giới mở và bùng nổ các phương tiện thông tin như hiện nay là vấn đề nhạy cảm và phức tạp, không chỉ riêng ngành Văn hóa hay Giáo dục có thể làm tròn, mà thực sự đang trở thành nhiệm vụ nặng nề và toàn diện với mọi ngành, mọi giới. Trong đó, văn nghệ sĩ sẽ cố gắng làm tròn trách nhiệm: Định hướng đến Chân - Thiện - Mỹ trong tác phẩm, khơi dậy khát vọng tới những chân trời cao đẹp, tìm ra ý nghĩa đích thực cho thời gian hữu hạn của cuộc đời, ý nghĩa đích thực của hạnh phúc con người, vị trí công bằng và hữu ích của mình trong cộng đồng nhân loại…
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.