Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ nghe và quyết định về Đề án
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định, trong hơn 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Nhiều nghị quyết của Trung ương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã đạt được kết quả nhất định.
Tuy vậy, hạn chế, khuyết điểm chung hiện nay là chủ trương, giải pháp đề ra nhiều nhưng chưa tạo được đột phá; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, có nơi triển khai tích cực, có nơi làm cầm chừng. Việc sơ kết, tổng kết, kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên...
Nêu rõ những hạn chế, yếu kém đã được Đại hội XII của Đảng chỉ rõ, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài.
Đây là vấn đề rất khó vì liên quan đến cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở nên rất cần sự hiến kế của các đại biểu từ kinh nghiệm thực tế.
Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về phương thức lãnh đạo của Đảng; xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó đi sâu cho ý kiến về các Đảng ủy khối ở Trung ương và địa phương; về mối quan hệ giữa Đảng ủy với Ban cán sự hoặc đảng đoàn; về tổ chức cơ sở Đảng; các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Đảng; tổ chức bộ máy của Nhà nước...
Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho ý kiến về các nội dung: nghiên cứu, rà soát tổng thể về tổ chức, tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác... Trên cơ sở đó sắp xếp, tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp tình hình mới.
Xác định cụ thể tiêu chí, nguyên tắc để quy định chặt chẽ khung số lượng tổ chức trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Từ đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập cơ quan trực thuộc phù hợp với nhiệm vụ và tình hình thực tiễn.
Đẩy mạnh việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; phân cấp hợp lý giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương để tăng tính tự chủ, gắn với quy định rõ trách nhiệm trong phạm vi, thẩm quyền được giao; đồng thời tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.