Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng hệ thống báo chí Thủ đô chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn

Hoàng Lân| 19/06/2023 20:00

(HNM) - Trong mặt trận thông tin và truyền thông, báo chí Hà Nội đã và đang có nhiều đóng góp khi tăng cường đưa thông tin về mọi mặt hoạt động của Thủ đô đến công chúng cả nước, đồng thời phản ánh toàn diện thông tin về đời sống xã hội Việt Nam nói chung. Ngày nay, trong bối cảnh xuất hiện nhiều hình thức truyền thông mới, nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo tại các cơ quan báo chí luôn được đặt lên hàng đầu, nhằm tránh tụt hậu. Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Tô Quang Phán về vấn đề này.

Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Tô Quang Phán.

- Năm 2023 được xem là năm bận rộn của công tác thông tin, tuyên truyền khi đại dịch Covid-19 đã lắng, guồng quay cuộc sống đang hối hả trở lại. Báo chí Thủ đô đã có đóng góp như thế nào vào mặt trận thông tin sau đại dịch, thưa ông?

- Trong bất cứ giai đoạn nào, hoàn cảnh nào, báo chí luôn bám sát đời sống để phản ánh những vấn đề, sự kiện đang diễn ra. Trong gần 3 năm qua, khi cả nước phải đối đầu với đại dịch Covid-19, báo chí Thủ đô luôn bám sát dòng sự kiện chủ lưu, đưa thông tin tuyên truyền chuẩn mực và nhanh chóng, có đóng góp không nhỏ trong mặt trận thông tin của cả nước, góp phần giúp kiểm soát thành công dịch Covid-19.

Sau đại dịch, cả nước tập trung ổn định đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, Hội Nhà báo Thành phố định hướng các cơ quan báo chí Thủ đô tích cực động viên hội viên tuyên truyền đúng định hướng các sự kiện chính trị, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các chương trình trọng tâm của thành phố Hà Nội, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Nổi bật là việc tuyên truyền về Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 07-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…

Bên cạnh việc thông tin chính xác, kịp thời về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, báo chí Thủ đô đã có nhiều tác phẩm có tính phát hiện, nêu gương các điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” trong đời sống xã hội Thủ đô và cả nước. Báo chí Thủ đô có nhiều bài viết về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh, phản bác các hành vi sai trái, xuyên tạc của các thế lực phản động, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...

- Trong thời đại bùng nổ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội với nhiều thông tin xấu, độc, tin giả, các tòa soạn đặt ra nhiều nhiệm vụ mới để nâng cao chất lượng nghiệp vụ. Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã có hoạt động nghiệp vụ gì để hỗ trợ các cơ quan báo chí Thủ đô bắt kịp với xu hướng phát triển báo chí hiện đại, nhân văn?

- Góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hưởng ứng phong trào của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam về “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, Hội Nhà báo Thành phố đã tổ chức các hội nghị phát động phong trào và ký giao ước thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam” trong các cơ quan báo chí Thủ đô.

Các cơ quan báo chí như Hànộimới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, An ninh Thủ đô, Phụ nữ Thủ đô, Tuổi trẻ Thủ đô, Lao động Thủ đô… hưởng ứng rất sớm chủ trương này. Các cơ quan báo chí Thủ đô đã và đang xây dựng môi trường làm báo chuyên nghiệp, hiện đại, văn hóa. Cần nhấn mạnh rằng, các cơ quan báo chí Hà Nội dù còn khó khăn về kinh phí nhưng đã và đang chú trọng đầu tư vào công nghệ, thiết bị hiện đại để cố gắng theo kịp xu hướng báo chí thế giới.

- Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã có những hoạt động thiết thực nào để hỗ trợ người làm báo Thủ đô nâng cao trình độ nghiệp vụ, sáng tạo những tác phẩm báo chí chất lượng cao, thưa ông?

- Hội thường xuyên xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Hà Nội. Năm 2023, Hội Nhà báo Hà Nội tăng cường mở các lớp tập huấn về báo chí hiện đại, áp dụng công nghệ làm báo tiên tiến do các chuyên gia giảng dạy, hướng dẫn.

Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Hội đã mở nhiều lớp đào tạo “Kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao”; “Sử dụng smartphone để sản xuất sản phẩm báo chí”… Bên cạnh đó, Hội còn cử hội viên tại các cơ quan báo chí tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về báo chí đa phương tiện, một số lớp chuyên đề do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Ngoài ra, Liên Chi hội, Chi hội các cơ quan báo chí còn chủ động tổ chức các lớp tập huấn cho phóng viên ngay tại đơn vị mình theo nội dung và nhu cầu thực tế.

Vào tháng 5 vừa qua, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội phối hợp với Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức đoàn đưa phóng viên đi thực tế, tham gia chương trình "Về nguồn” tại tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Sau chuyến đi, đã có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng viết về tình quân - dân, hoạt động của các chiến sĩ biên phòng, góp phần lan tỏa, kết nối tinh thần "Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội". Đây là hoạt động nghiệp vụ thiết thực, hiệu quả, được các cơ quan báo chí hưởng ứng rất nhiệt tình.

- Sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đặt ra trước báo chí thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng nhiều thuận lợi và cả khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có sự đổi mới quyết liệt. Chẳng hạn, nhiều cơ quan báo phải tính phương án sớm hoàn thiện mô hình tòa soạn hội tụ, tìm cách giải quyết các vấn đề kinh tế báo chí… Hội đã có định hướng, chỉ dẫn như thế nào để các cơ quan báo chí Thủ đô bắt kịp với xu thế chung nhưng vẫn bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích?

- Việc phát triển mô hình tòa soạn hội tụ là xu thế tất yếu, buộc các cơ quan báo chí phải nỗ lực hoàn thiện, đổi mới. Trong thời đại bùng nổ công nghệ, xuất hiện các hình thức thông tin mới, sự cạnh tranh thông tin ngày càng quyết liệt, công chúng đòi hòi cao hơn ở báo chí..., các cơ quan báo chí buộc phải đổi mới. Đã có nhiều mô hình tòa soạn hội tụ được thực hiện thành công, tạo hiệu quả. Nhiều cơ quan báo chí Thủ đô đã bắt kịp với xu hướng làm báo hiện đại, hình thành những sản phẩm báo chí đa phương tiện với nhiều hình thức thể hiện mới như Megastory, Longform, Podcast, E-magazine…

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực và hiệu quả đã thấy, báo chí hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về vấn đề kinh tế báo chí. Đây không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều, cần sự cố gắng tối đa của các đơn vị. Để có thể làm kinh tế báo chí tốt thì các cơ quan báo chí cần phải tạo ra nhiều tác phẩm báo chí hay, sắc bén, chất lượng, có hướng đi riêng độc đáo nhưng vẫn phải bám sát tôn chỉ, mục đích. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan báo chí, tổ chức giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan báo chí trung ương và các địa phương. Ngoài ra, Hội tiếp tục tổ chức nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ để hỗ trợ các cơ quan báo chí không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng hệ thống báo chí Thủ đô chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.