(HNM) - Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”.
Cử tri cả nước đặt nhiều kỳ vọng cũng như yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ. Ảnh: Bá Hoạt |
Xử lý nghiêm sai phạm
Cuối tháng 6 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 27 xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Lê Nam Trà, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty MobiFone và ông Phạm Đình Trọng, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Cao Duy Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty MobiFone; khiển trách đối với ông Phạm Hồng Hải, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông...
Những cán bộ bị kỷ luật trên do có sai phạm liên quan đến Dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.
Để phòng, chống và ngăn ngừa sai phạm nảy sinh, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức Đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm (cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu).
Trong đó đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 9 cán bộ là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ đảng 1 Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng, nhiều vụ đại án tham nhũng tưởng chừng không thể xử lý vì có liên quan đến những cán bộ cấp cao đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử công minh. Đơn cử như vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank...
Thực tế công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta thời gian qua cho thấy, bất kỳ cán bộ, đảng viên nào khi để xảy ra sai phạm, kể cả đó là cán bộ đương chức hay nghỉ hưu, lãnh đạo cấp cao, thậm chí cả Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị đều được xem xét, xử lý đúng người, đúng tội.
Kỷ luật một vài người để cứu muôn người
Trong dịp thăm tỉnh Thanh Hóa, ngày 20-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được".
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10-1947), Người cũng đúc rút: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ tốt phục vụ nhân dân, thời gian qua, bên cạnh công tác đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng, Đảng ta đã thi hành xử lý kỷ luật nghiêm, thông báo công khai đối với nhiều cán bộ vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao. Nhận định về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: "Công khai chính là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương, phải phanh phui nó ra, cắt bỏ nó đi thì mới chống được tệ nạn”.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật, kỷ luật một vài người để cứu muôn người. Việc xử lý nghiêm để ngăn ngừa, răn đe đừng xảy ra tham nhũng.
Tổng Bí thư cũng nêu quan điểm: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”, “Ai đã nhúng chàm thì sớm gột rửa”, "Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn", "Đừng sợ làm mà mất uy tín, đừng sợ khuyết điểm, và làm để lấy lại uy tín"…
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, GS.TS Trần Văn Phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Học viện, Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên cần học tập và thực hành theo tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng phong cách người cán bộ, đảng viên vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Để làm được điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Bên cạnh đó, phải biết lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân, tránh quan liêu, xa rời dân..., phấn đấu trở thành "công bộc tốt" của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm niệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.