Từng sản xuất không đủ để cung ứng ra thị trường, nhưng thời gian gần đây, một số làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội đang phải đối diện với những khó khăn về “đầu ra” cho sản phẩm.
Không ít gia đình, cơ sở sản xuất đã cắt giảm quy mô, thậm chí bỏ nghề… Hiện các làng nghề đang nỗ lực vượt khó với nhiều giải pháp để tồn tại và phát triển.
Khó về thị trường tiêu thụ
Xã Nhị Khê (huyện Thường Tín) vang danh với nghề tiện gỗ. Cách đây vài năm, người làng nghề còn “làm không hết việc” để thực hiện những đơn hàng tiện gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc và một số quốc gia khác. Thế nhưng gần đây, không khí sản xuất đã trầm lắng nhiều.
Anh Nguyễn Đức Trường, chủ hộ sản xuất tiện gỗ ở thôn Nhị Khê chia sẻ: “Gia đình tôi gắn bó với nghề tiện hàng chục năm. Nhờ nghề mà gia đình tôi có cuộc sống ổn định. Thế nhưng gần đây, hàng bán chậm và ngày công rất thấp…”.
Trưởng thôn Nhị Khê (xã Nhị Khê) Lều Lê Trung cho hay, cả thôn có hơn 600 hộ thì khoảng 500 hộ làm nghề tiện, giá trị từ làng nghề chiếm gần 80% trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Thời gian gần đây, xuất khẩu sản phẩm giảm, hàng tiêu thụ chậm, nhiều lao động trẻ đã chuyển sang các nghề khác để có thu nhập cao hơn.
Không chỉ Nhị Khê, nhiều làng nghề truyền thống khác cũng đang gặp không ít khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) cho biết, hiện tại, sản xuất của làng nghề giảm nhiều, do không có đơn hàng mới. Ngay như Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn của gia đình ông Nguyễn Văn Trung, vốn thường thực hiện các đơn hàng cao cấp xuất khẩu sang Nhật Bản, Pháp, Australia nhưng từ đầu năm 2024 tới nay cũng chưa ký được hợp đồng mới.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, trước đây mỗi tháng, xuất khẩu của Hiệp hội Làng nghề mây tre đan Phú Vinh đạt giá trị khoảng 12 tỷ đồng, thì nay chỉ được 9 tỷ đồng.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Ngoan ở làng nghề điêu khắc Nhân Hiền (xã Hiền Giang, huyện Thường Tín) cho biết: "Gia đình tôi chuyên điêu khắc tượng cho các đình chùa, nhà thờ tư gia. Thời gian qua, các công trình xây dựng không nhiều nên việc mua sắm tượng cũng hạn chế. Gia đình đã cắt giảm từ 20 thợ xuống còn 10 thợ".
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, các làng nghề gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm thời gian qua chủ yếu tập trung ở nhóm hàng thủ công mỹ nghệ. Có nhiều nguyên nhân như thị trường xuất khẩu quen thuộc là Đông Âu bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và xung đột vũ trang ở một số quốc gia. Không kể, suy thoái kinh tế ở nhiều nước khác khiến việc chi tiêu của người dân thắt chặt hơn và việc mua sắm sản phẩm hạn chế hơn. Từ đó dẫn đến việc xuất khẩu của nhiều làng nghề bị ngưng trệ. Tương tự, ở thị trường nội địa, việc tiêu thụ sản phẩm cũng sụt giảm do kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Tìm hướng đi cho sản phẩm
Trước những khó khăn đặt ra, các làng nghề đang nỗ lực để vượt khó. Theo anh Nguyễn Đức Trường (thôn Nhị Khê, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín), do sản phẩm tiện gỗ tiêu thụ khó khăn, gia đình anh đã lựa chọn nguyên liệu gỗ bình dân để phù hợp với túi tiền của nhiều khách hàng. Anh cũng chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, qua mạng xã hội, như: Zalo, TikTok, Facebook…
Còn theo Chủ tịch UBND xã Nhị Khê Lê Văn Tạo, để tháo gỡ khó khăn, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân, hộ sản xuất ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đưa các trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất.
“Chúng tôi cũng hướng người sản xuất không phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, mà sản xuất đa dạng sản phẩm phục vụ thị trường nội địa. Định hướng của địa phương thời gian tới là xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh gắn với làng nghề truyền thống”, ông Lê Văn Tạo cho hay.
Đối với làng nghề mây, tre, giang đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề mây tre đan Phú Vinh Nguyễn Văn Trung cho biết, người làng nghề đã tập trung vào khâu thiết kế và tìm kiếm thị trường nội địa. “Chúng tôi đã sản xuất thêm các sản phẩm phục vụ đời sống, như: Làn đi chợ, mũ thời trang, bàn ghế mây tre, đèn trang trí…”, ông Nguyễn Văn Trung nói.
Trước những khó khăn trong sản xuất, ông Nguyễn Văn Trung mong muốn, thành phố tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trang bị cho người làng nghề hành lang về pháp lý khi hợp tác mua bán với đối tác nước ngoài và hỗ trợ thêm về xúc tiến thương mại đến các thị trường mới.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố hiện có 321 làng nghề đã được công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống. Để hỗ trợ các làng nghề, năm 2023, thành phố giao Sở NN&PTNT Hà Nội ký kết 2 thỏa thuận hợp tác với Hội đồng Thủ công thế giới và Trường Thiết kế Đại học Lund trong thiết kế và xuất khẩu sản phẩm. UBND thành phố cũng đã giao các sở, ngành liên quan phối hợp với các địa phương tập trung triển khai Kế hoạch phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.