(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP (ngày 29-3-2021) quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Dư luận tin tưởng, đây sẽ là “cú hích” quan trọng, góp phần hiện thực hóa và triển khai có hiệu quả các quy định, cơ chế, chính sách trong xây dựng chính quyền đô thị tự chủ, năng động, hiệu quả… trên địa bàn Thủ đô.
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Việt Hà:
Sẵn sàng triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị
Hướng tới xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động, hiện đại, những năm qua, Quận ủy Thanh Xuân đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức được sắp xếp theo vị trí việc làm, theo hướng “một việc, một đầu mối xuyên suốt” và "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả), nên đã nâng cao hiệu quả công việc.
Đây chính là tiền đề để quận Thanh Xuân sẵn sàng vận hành theo mô hình chính quyền đô thị như Nghị định số 32/2021/NĐ-CP vừa ban hành, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Anh Lê Trung Kiên:
Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, UBND
Thời gian qua, các cấp ủy Đảng của huyện Đông Anh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị trong đó có bộ máy chính quyền. Tuy không thuộc diện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, nhưng với mục tiêu phấn đấu trở thành quận trong tương lai gần nên Đông Anh chú trọng việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, UBND theo hướng chính quyền đô thị để theo kịp xu thế phát triển của Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa:
Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Trước đây, tại Hà Nội, chính quyền các quận được tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như chính quyền các huyện. Do đó, dù đã có sự phân cấp nhưng nhiều vấn đề “nóng” từ cơ sở vẫn phải chờ xin ý kiến từ cấp trên, qua nhiều cấp, nhiều tầng nên mất nhiều thời gian. Nghị định số 32/2021/NĐ-CP đã giải quyết được bất cập này, phù hợp với đặc điểm của Hà Nội là đô thị lớn.
Việc triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quận Hà Đông trong thời gian tới. Theo đó, quận sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp, tăng cường đào tạo để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm quen với việc quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) Đỗ Ngọc Anh:
Chính quyền cơ sở sẽ tinh gọn, phục vụ người dân tốt hơn
Mục tiêu thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị hướng tới là xây dựng chính quyền đô thị tự chủ, năng động, hiệu quả và có đủ thẩm quyền, trách nhiệm để giải quyết những vấn đề mà thực tế đô thị đặt ra. Để đạt được mục đích đó, cần thiết lập một cơ chế mà ở đó có sự đặc thù tổng thể trong cả hoạt động điều hành của cơ quan hành chính và trong chính hoạt động của cơ quan dân cử. Đây là điều mà Nghị định số 32/2021/NĐ-CP đã làm được.
Theo quy định mới, mô hình hoạt động của chính quyền cơ sở sẽ tinh gọn hơn, phục vụ người dân đô thị tốt hơn, nhanh hơn và thông suốt hơn; từ đó hiệu lực quản lý, điều hành xã hội của chính quyền cũng thống nhất và chặt chẽ hơn, giảm bớt các tầng nấc trung gian. Ngoài ra, việc quy định rõ về chế độ làm việc, trách nhiệm, quyền hạn của UBND phường, cán bộ phường, sẽ là cơ sở để UBND phường cũng như các cấp chính quyền triển khai, vận hành mô hình hành chính mới sao cho đạt hiệu quả cao nhất, phục vụ người dân tốt hơn.
Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) Vũ Huy Khiêm:
Tạo sự đồng bộ trong quản lý hành chính nhà nước ở địa phương
Theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng. Để tránh việc xảy ra “khoảng trống” từ việc không còn HĐND cấp phường, hằng năm ít nhất 2 lần, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND quận, thị xã, chủ tịch phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân ở phường về những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của nhân dân ở địa phương. Kết quả hội nghị đối thoại phải được gửi đến Thường trực HĐND, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã, tổ trưởng tổ đại biểu HĐND quận, thị xã ở phường trước 7 ngày khai mạc kỳ họp thường kỳ gần nhất của HĐND quận, thị xã.
Như vậy, quy định mới sẽ giúp sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ giữa UBND quận, thị xã với UBND phường thông suốt, tạo sự đồng bộ trong quản lý hành chính nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.