Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trong Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dành sự quan tâm đến mô hình chính quyền đô thị.
Tán thành về sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tiến khẳng định, việc hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đề ra được những chính sách đặc thù, phù hợp với vị trí, vai trò của trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, tạo hành lang pháp luật cho Thủ đô phát triển nhanh chóng và hiệu quả.
Quan tâm đến nội dung về mô hình chính quyền đô thị tại Thủ đô, đại biểu Trần Văn Tiến nhìn nhận, Hà Nội thí điểm thực hiện điểm mô hình không tổ chức HĐND cấp phường theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội trong bối cảnh thành phố gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường; tình hình kinh tế đang trong giai đoạn suy thoái và phục hồi chậm…
Tuy nhiên, ba năm qua, với sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, đến nay kết quả đạt được rất tích cực. Đó là mô hình chính quyền địa phương cấp phường chỉ bao gồm UBND phường được kiện toàn tinh gọn, hiệu lực. Hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên. Cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức có nhiều chuyển biến tích cực. Việc phân cấp, ủy quyền linh hoạt, chủ động trong triển khai hoạt động công vụ. Trách nhiệm của cán bộ, công chức được nâng cao, giảm bớt nhiều khâu trung gian, rút ngắn quy trình, thủ tục và thời gian trong việc giải quyết công việc.
Ngoài ra, việc quy định UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng phù hợp với chức năng là cơ quan hành chính tại phường nhưng vẫn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy phường, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền nên vẫn duy trì được cơ chế kiểm soát quyền lực đối với UBND phường và chủ tịch UBND phường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc cần được nghiên cứu, tháo gỡ, tiếp tục hoàn thiện, như: Cơ cấu tổ chức phường không bao gồm trưởng công an phường vì không phải là công chức theo Luật Cán bộ công chức, trong khi Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định trưởng công an phường thuộc cơ cấu của phường.
Thành phố cũng chưa có quy định về việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của HĐND phường, UBND phường ban hành trước ngày 1-7-2021 mà không còn phù hợp hoặc trái với văn bản ban hành sau ngày 1-7-2022.
Do UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách nên UBND phường không còn sự chủ động trong công tác điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ khác.
Ngoài ra, việc quản lý cán bộ, công chức phường thuộc quận, thị xã nhưng cán bộ thuộc tổ chức Đảng, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, công chức xã, thị trấn vẫn là công chức cấp xã đã gây khó trong công tác quản lý cán bộ, công chức. Số lượng biên chế công chức phường hạn chế bình quân 15 biên chế/phường không đáp ứng nhu cầu, nhất là các phường đông dân cư…
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cũng đánh giá về kết quả thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách HĐND thành phố Hà Nội theo Nghị quyết 160/2021/QH14 của Quốc hội.
Mô hình này được thực hiện ngay trong nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, Thường trực HĐND thành phố gồm: Chủ tịch, hai phó chủ tịch và các ủy viên là bốn trưởng các ban của HĐND thành phố. Tất cả Thường trực HĐND thành phố đều là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Tổng số đại biểu chuyên trách của HĐND thành phố được xác định tối đa 19 đại biểu, đã bố trí được 18 đại biểu hoạt động chuyên trách. Tổ chức bộ máy nhờ được tăng cường về số lượng nên hoạt động của HDND thành phố được nâng cao rõ rệt, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách và trong hoạt động giám sát.
“Bên cạnh kết quả đạt được, mô hình thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách HĐND thành phố Hà Nội còn chưa bảo đảm sự tập trung thống nhất trong chỉ đạo thực hiện từ thành phố xuống phường, vì mô hình chính quyền phường không có HĐND phường”, đại biểu Trần Văn Tiến nêu.
Từ những phân tích nêu trên, đại biểu cho rằng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại dự thảo Luật cần được hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững và hội nhập quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.