(HNM) - Ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động xác nhận sản phẩm an toàn, nhưng nhiều cơ sở kinh doanh lại chưa mặn mà...
Sơ chế, đóng gói rau an toàn tại Hợp tác xã Văn Đức (huyện Gia Lâm). |
Sau hơn 1 năm Bộ NN& PTNT triển khai cấp giấy xác nhận sản phẩm nông nghiệp an toàn, đến nay, cả nước có 537 chuỗi nông sản được thiết lập, trong đó, 227 chuỗi sản phẩm cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận. Tại Hà Nội, Sở NN&PTNT đã xây dựng được 63 chuỗi cung ứng rau, thịt, hoa quả… tại cửa hàng tiện ích, siêu thị. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiều cơ sở kinh doanh chưa mặn mà...
Trưởng phòng Chất lượng nông sản, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Thuận cho biết, việc xác nhận sản phẩm an toàn đối với cơ sở kinh doanh nông sản, thực phẩm chưa là quy định bắt buộc trong Luật An toàn thực phẩm. Các cơ sở chưa thiết tha với việc xác nhận sản phẩm an toàn vì phải chi phí cho việc lấy mẫu phân tích, theo quy định từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/1 mẫu đơn tính, 2 triệu đồng/1 mẫu đa vi lượng. Mỗi sản phẩm lấy mẫu 1 lần trong 1 năm, nếu không có phát sinh các vấn đề về mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Số cơ sở được xác nhận an toàn quá ít
do sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ...
Ngoài ra, để cơ sở kinh doanh sản phẩm được cấp giấy xác nhận an toàn phải qua khâu kiểm tra, giám sát, lấy mẫu theo quy định của cơ quan chức năng. Nhưng do thói quen tiêu dùng, người dân vẫn mua sản phẩm nông nghiệp bán ở chợ với giá thấp, nên số lượng tiêu thụ các mặt hàng an toàn còn ít.
Thực phẩm được xác nhận an toàn sẽ khiến người tiêu dùng tin tưởng hơn. Ảnh: Anh Tuấn |
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh việc triển khai cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn trên diện rộng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, các tỉnh, thành phố nên hỗ trợ các cơ sở kinh doanh mới được xác nhận lần đầu về chi phí lấy mẫu phân tích chất lượng, tiền thuê cửa hàng trong năm đầu. Các ngành chức năng phải tăng cường giám sát chất lượng sản phẩm định kỳ theo Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27-12-2014 của Bộ NN&PTNT về quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Theo đó, kiểm tra 1 năm/lần đối với cơ sở xếp loại A và 6 tháng/lần đối với cơ sở loại B, tái kiểm tra thường xuyên cơ sở xếp loại C; nếu phát hiện cơ sở không tuân thủ quy định sẽ thu hồi giấy xác nhận đã cấp.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, các đơn vị của ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì, xây dựng, phát triển bộ mã QRcode (mã phản hồi nhanh) để minh bạch thông tin điện tử cho sản phẩm nông sản an toàn của Hà Nội và các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ. Các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn phải có nhãn mác, tem nhận diện sản phẩm được cơ quan quản lý xác nhận; đạt tiêu chuẩn sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Sở NN&PTNT sẽ tham mưu cho thành phố tiếp tục có chính sách về vay vốn ưu đãi, tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước để khuyến khích các cơ sở kinh doanh tích cực xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.